(HNM) - Áp Tết Canh Dần, không chỉ các chợ truyền thống mà rất nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội kéo dài giờ mở cửa để đáp ứng nhu cầu sắm Tết của người dân. Không chỉ mua thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ uống, trái cây mà các siêu thị điện máy, hàng gia dụng, xe máy cũng nghẹt người.
Có được thứ hàng mình cần, người mua còn phải xếp hàng mỏi chân mới đến lượt thanh toán tiền vì lượng khách hàng mua sắm quá khả năng phục vụ của các siêu thị.
Theo quy luật, lượng người mua sắm dịp Tết bao giờ cũng tăng vọt so với ngày thường. Song với sức mua như Tết Canh Dần thì đó thực sự là tín hiệu vui, sức mua tăng chứng tỏ kinh tế Việt Nam đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới. Không chỉ mua sắm hàng tiêu dùng nhập khẩu, thời trang trong nước, thực phẩm, đồ uống... do các doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng được rất nhiều người lựa chọn. Điều đó cho thấy chủ trương "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" của Bộ Chính trị đã đi vào đời sống. Mua sắm nhiều cũng góp phần làm giảm khó khăn cho nhiều doanh nghiệp khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Tuy nhiên trong sự mua sắm tấp nập ấy vẫn có không ít người dù kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn mang quan niệm "Đói quanh năm no 3 ngày Tết" hoặc "cho con cái bằng người bằng ta". Có gia đình ở Hà Nội ngày thường không dư dả nhưng chiều con cái có xe đẹp đi chơi ngày Tết đã vay lãi mua cho con xe máy SH giá hơn trăm triệu đồng. Lại có những người khác mới thoát nghèo nhưng mạnh tay khuân về nhà những thùng bia nhập khẩu, thậm chí cả rượu Tây với giá không hề rẻ.
Thực tế cho thấy kiếm tiền trong thời buổi hiện nay không dễ dàng khi mà cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chỉ vì sĩ diện hay nuông chiều con cái mà chi tiêu quá khả năng cho phép thì hậu quả sẽ là nợ nần. Không phải vô cớ mà các cụ ta nói "Liệu cơm gắp mắm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.