Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có xảy ra "cuộc chiến" về giá?

Việt Nga| 26/06/2015 06:33

(HNM) - Hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone sẽ không chịu sự quản lý của Nhà nước về giá cước, khuyến mãi theo quy định.

Theo đó, kể từ ngày 15-6, chỉ có Viettel là DN thống lĩnh thị trường với dịch vụ di động (gồm điện thoại, nhắn tin và truy nhập internet). Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone sẽ không chịu sự quản lý của Nhà nước về giá cước, khuyến mãi theo quy định.

Ảnh minh họa từ internet


Theo quy định của Luật Cạnh tranh, DN được coi là thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên (trên thị trường liên quan) hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Một nhóm hai DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu tổng thị phần đạt từ 50% trở lên. Căn cứ theo quy định trên, Thông tư số 18/2012 ra đời trong điều kiện thời điểm cuối năm 2012 khi cả hai nhà mạng MobiFone, Vinaphone cùng trực thuộc Tập đoàn VNPT và cùng thuộc nhóm DN như quy định của Luật Cạnh tranh giữ vị trí DN thống lĩnh thị trường.

Theo như công bố của Sách trắng CNTT-TT cuối năm 2014 (công bố số liệu 2013) thì Viettel dẫn đầu thị phần với 44,05% thị phần 2G và 3G, MobiFone là 21,4%, còn Vinaphone 19,88%. Số liệu trên cho thấy, việc cạnh tranh giữa Viettel và VNPT là tương đương nhau với cả hai đều giữ hơn 40% thị phần.

Tuy nhiên, hai năm qua thị phần của 3 DN Viettel, MobiFone, Vinaphone đã thay đổi đáng kể bắt nguồn từ việc MobiFone đã tách khỏi hoạt động của VNPT kể từ tháng 7-2014. Thêm nữa, từ cuối năm 2013 đến nay, Tập đoàn VNPT, Vinaphone và cả MobiFone đồng loạt thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, thì thị phần doanh thu của hai nhà mạng này đã sụt giảm so với trước.

Theo số liệu vừa được Bộ TT-TT công bố tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5-2015, Viettel hiện chiếm 52,2% thị phần, MobiFone, Vinaphone cùng nắm giữ thị phần khoảng 18% - thấp hơn mức 30% mà Luật Cạnh tranh đưa ra. Vì vậy, Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) cho rằng, việc đưa hai DN MobiFone và Vinaphone ra khỏi nhóm DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường là cần thiết. Bởi cả Vinaphone và MobiFone giờ đây đã trở thành hai nhà mạng độc lập, không còn trực thuộc VNPT nên việc xem xét họ dưới tư cách "nhóm hai doanh nghiệp" không còn phù hợp. Hơn nữa, việc đưa cả hai nhà mạng kể trên khỏi nhóm DN thống lĩnh thị trường còn để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về cạnh tranh trong viễn thông, với thông lệ quốc tế và góp phần bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững.

Như vậy, khi điều chỉnh giá cước và đưa ra các chương trình khuyến mãi, cả MobiFone và Vinaphone sẽ chỉ phải thông báo với Cục Viễn thông. Còn ngược lại, ở vị trí thống lĩnh thị trường, Viettel sẽ bị "quản" chặt hơn, như khi thay đổi giá cước và thực hiện khuyến mãi chỉ được phép triển khai sau khi Cục Viễn thông chấp thuận.

Song, với việc cả hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone không thuộc nhóm DN chiếm thị phần khống chế, không chịu sự quản lý chặt chẽ về giá cước, khuyến mãi thì dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu có xảy ra "cuộc chiến" về giá? Trả lời về vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông cho biết, tuy không thuộc nhóm DN chiếm lĩnh thị phần, nhưng vẫn có các quy định ràng buộc như cả hai đều không được điều chỉnh giá cước tăng hoặc giảm không hợp lý so với giá thành, tăng hoặc giảm bất bình thường so với giá cước trung bình, gây mất ổn định thị trường.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Vinaphone cho rằng, DN chỉ có thể cạnh tranh bằng sự khác biệt và phân tích, hơn 10 năm trước, Viettel cạnh tranh với Vinaphone, MobiFone bằng giá cước, nhưng thời điểm đó thị trường chưa bão hòa, giá cước cao nên bằng chiến lược giá rẻ Viettel đã thành công. Nhưng ở thời điểm này, thị trường đã bão hòa và với các DN thì chiến lược cạnh tranh phải khác biệt chứ không chỉ bằng giá cước. Vị lãnh đạo Vinaphone cũng khẳng định, nguyên tắc giá cước rẻ, vùng phủ sóng có chất lượng tốt, dịch vụ đa dạng, tiện ích, công nghệ tiên tiến, tích hợp... sẽ là những yếu tố giúp khách hàng tìm đến với nhà mạng có lợi thế.

Cuộc cạnh tranh giữa ba nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone ra sao trong thời gian tới sẽ để thị trường trả lời; nhưng thông tin MobiFone và Vinaphone không chịu sự quản lý về giá cước, khuyến mãi là tin vui cho hàng chục triệu khách hàng của hai nhà mạng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liệu có xảy ra "cuộc chiến" về giá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.