Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có vội vàng?

Nữ Quỳnh| 28/10/2011 06:52

(HNM) - Hôm qua (27-10), Bộ GTVT đã có Văn bản số 6956/BGTVT-VT chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giờ làm việc, giờ học tập, kinh doanh thương mại tại TP Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông.


Như vậy là chỉ hai ngày sau cuộc họp của Sở GTVT Hà Nội về vấn đề này và theo đề nghị của sở này thì đến hôm nay (28-10) các sở, ngành liên quan mới hoàn tất việc góp ý bằng văn bản gửi về sở. Phải chăng Bộ GTVT đã vội vàng khi trình dự thảo lên Chính phủ trong lúc chính nơi dự kiến sẽ là đối tượng áp dụng còn đang trong giai đoạn lấy ý kiến?

Có thể khẳng định, đây là vấn đề "nóng" nhất trong tất cả các vấn đề "nóng" trong dư luận Hà Nội mấy ngày qua. Nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ thái độ quyết liệt của ngành GTVT, nhưng cũng chỉ dừng ở đó, tức là ủng hộ về quan điểm. Trong khi phần đông ý kiến người dân, nhiều nhà quản lý và cả các nhà khoa học còn tỏ ra băn khoăn với quá nhiều hệ lụy xã hội cần tính toán kỹ của việc này.

Có lẽ mục tiêu số một mà ngành GTVT hướng đến trong chủ trương này chính là "hành động ngay", kỳ vọng như một "liều thuốc giảm đau" nhằm làm dịu áp lực ùn tắc giao thông. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định không thí điểm nữa mà thực hiện ngay. Cũng cần nhắc lại là chỉ trong vòng một tuần sau cuộc họp với Hà Nội, Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan trên địa bàn Hà Nội. Về cơ bản dự thảo mới chỉ là tính toán "cơ học" đối tượng nào đi vào giờ nào chứ chưa tiên lượng kỹ các tác động kéo theo. Dường như đây vẫn mới chỉ là biện pháp "tình thế". Khi đưa ra ý tưởng này, Bộ GTVT quan niệm cứ thực hiện rồi sai đâu, tắc đâu sẽ tiếp tục tháo gỡ.

Nhưng rõ ràng nếu chỉ vì mục tiêu của một ngành mà phải mang cả một cộng đồng để "thí điểm", thì có lẽ cần phải bàn kỹ. Bí thư Thành ủy Hà Nội khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng cho rằng việc điều chỉnh giờ học, làm việc cần phải dựa trên nguyên tắc lắng nghe ý kiến phản biện và điều tra dư luận xã hội xem hiệu quả như thế nào nếu thực hiện. Về phía Bộ GTVT cũng từng khẳng định sẽ cùng Hà Nội nghiên cứu đề án, chỉ đủ căn cứ mới trình Chính phủ.

Giải pháp của Bộ GTVT có tính tích cực, nhưng cũng cần có thời gian khảo sát thêm. Dù điều chỉnh giờ như thế nào thì cũng xuất phát từ thực tiễn, quyền lợi của nhân dân. Vấn đề này không chỉ riêng ngành GTVT nghiên cứu, mà phải có sự tham gia của các cơ quan liên quan, dư luận xã hội và các đối tượng thực hiện. Một khi chính sách đưa ra không được nhân dân ủng hộ sẽ phát sinh tác dụng ngược. Có nên đưa cả một cộng đồng ra thí nghiệm để rồi "sai đâu sửa đấy"? Chắc chắn điều chỉnh giờ học, giờ làm việc chỉ là một giải pháp tình thế chứ không phải là phép màu cho vấn nạn ùn tắc giao thông của Hà Nội. Chính vì thế sự thận trọng trong trường hợp này là hoàn toàn cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu có vội vàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.