Tối 7-12, tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp ở Hà Nội có buổi nói chuyện về ảnh hưởng của kịch Pháp đến kịch nói Việt Nam do hai diễn giả người Việt trình bày. Từ trước cho đến nay phần lớn các nhà nghiên cứu đều nhận định: Kịch Việt Nam ra đời là chịu ảnh hưởng lớn của kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII. Sự thực có phải như vậy?
"Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long được cho là vở kịch đầu tiên của kịch nói Việt Nam diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn ngày 22-10-1921. Trước đó 36 năm, đêm 16-3-1885 là đêm đáng nhớ đối với những người hoạt động sân khấu Việt Nam, bởi trước cửa đền Ngọc Sơn, vợ chồng diễn viên chuyên nghiệp người Pháp Deschamps cùng các diễn viên nghiệp dư diễn kịch nói. Sân khấu là nền đất, ba mặt che bằng liếp. Chỉ tiếc là sử sách không ghi đêm đó họ diễn vở gì. Sau đó kịch Pháp liên tục được diễn tại Hà Nội, một số dịch giả bắt đầu dịch kịch cổ điển Pháp ra tiếng Việt. Phải chăng căn cứ vào đó các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định trên?
Trở lại đêm diễn "Chén thuốc độc", trong lời giới thiệu, ông Nguyễn Mạnh Bổng, Tổng Thư ký Hội Bắc kỳ Công thương đồng nghiệp nói: "Ngày hôm nay, 22-10-1921 thực là một ngày kỷ niệm lớn trong văn sử nước ta về diễn kịch theo lối mới mà thuần nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta". Mổ xẻ "Chén thuốc độc" rõ ràng kịch bản này không xảy ra một nơi, không diễn ra trong một ngày như luật tam duy nhất của chủ nghĩa cổ điển Pháp. "Chén thuốc độc" cũng không theo kết cấu kịch cổ điển Pháp với 5 hồi. Thậm chí lớp kịch thầy bói rất giống với cảnh thầy bói trong vở chèo cổ Trinh Nguyên.
Trong bài diễn thuyết mở đầu đêm diễn "Chén thuốc độc", ông Dương Nhữ Tiếp cho rằng "Chúng tôi cảm nhiễm cái văn hóa mới nước Pháp...". PGS Tất Thắng, nhà nghiên cứu sân khấu hàng đầu Việt Nam lý giải nhận định này: Cảm nhiễm chẳng qua là sự tiếp nhận và trong tiếp nhận văn hóa Pháp nói chung, kịch Pháp nói riêng đã nảy sinh cảm hứng sáng tạo nào đấy. Sự ảnh hưởng của kịch Pháp có lẽ chỉ ở trong khuôn khổ đó.
Ngày 15-3-1918, tại rạp của Thầy Năm Tú ở Cần Thơ đã diễn vở cải lương Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. Đây là vở cải lương dài đầu tiên có trang trí phông màn. Xâu chuỗi sự việc có thể đưa ra ý kiến không chủ quan: Cải lương ra đời là động lực cho kịch Việt Nam xuất hiện. Bên cạnh đó, sự chật trội trong ngôn ngữ biểu diễn của chèo và tuồng đã hạn chế 2 bộ môn này khi diễn các đề tài mới. Thêm nữa, kịch nói ra đời là đòi hỏi tự thân của nghệ thuật.
Việc tiếp nhận, ảnh hưởng văn hóa nước ngoài không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đó là chuyện bình thường. Song khi nhận định, đánh giá mức độ ảnh hưởng cần phải căn cứ từ tác phẩm. Còn chỉ căn cứ vào việc thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam mà đưa ra kết luận kịch Việt Nam ảnh hưởng kịch Pháp cổ điển thế kỷ XVII liệu có vội vàng không?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.