(HNM) - Chiều 8-2, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ký kết chương trình phối hợp
Chương trình được thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, nhằm từng bước giúp người tham gia giao thông hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông… Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, đã có nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh tới Báo Hànộimới về vấn đề này.
Ông Phạm Ngọc Ninh (phường Phú La, quận Hà Đông): Có những tiêu chí khó thực hiện
Dịch vụ đưa khách say rượu, bia về nhà nhằm bảo đảm tiêu chí an toàn giao thông (ATGT) cho khách hàng, giảm bớt nguy cơ gây tai nạn, mang tính nhân đạo… Mục đích là tốt, nhưng tôi thấy thực tế sẽ là khó khăn cho những nhà hàng lớn có tới vài trăm thực khách đến ăn uống, nhậu nhẹt hằng ngày. Bởi theo tiêu chí, những "điểm kinh doanh rượu, bia an toàn" này sẽ phải có thêm địa điểm trông giữ xe qua đêm, có tối thiểu 2 nhân viên có giấy phép lái xe để đưa xe về cho khách, nhà hàng phải phối hợp hãng taxi để đưa khách về bảo đảm an toàn; nhân viên nhà hàng phải có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu với khách hàng về việc không nên lái xe sau khi khách sử dụng rượu, bia; thậm chí trong nhà hàng có những pa nô, áp phích tuyên truyền về tác hại của việc uống nhiều rượu, bia… Như vậy, vô hình trung, các nhà hàng "bỗng dưng" bị phát sinh tăng chi phí do phải mở rộng địa điểm kinh doanh, phải tuyển thêm nhân viên và rất nhiều phần việc khác. Một vấn đề bất cập nữa là nếu trong cuộc "nhậu" nếu có quá nhiều người say thì nhà hàng biết lấy đâu ra người phục vụ cho đủ? Thiết nghĩ, tại sao các cơ quan chức năng không đưa ra quy định các nhà hàng chỉ được phép bán số lượng rượu, bia cho khách theo một mức độ nhất định nhằm hạn chế tình trạng khách uống tới say xỉn?
Chị Nguyễn Thị Phương Dung (xã Phú Phương, huyện Ba Vì):Chương trình thí điểm là cần thiết nhưng...
Uống rượu, bia là một nhu cầu của xã hội nên việc cấm mọi người uống là điều không thực hiện được. Việc uống nhiều rượu, bia đến mức say xỉn đương nhiên sẽ có hại cho sức khỏe của người sử dụng. Nhìn những người uống đến say rồi lảo đảo lấy xe máy ra về là rất lo ngại và nguy cơ xảy ra tai nạn cao khi họ tham gia giao thông. Người nhà tôi đã từng uống rượu say, đi xe máy về và bị tai nạn do không làm chủ tốc độ, tự ngã… Do đó, việc thực hiện "Chương trình thí điểm nhà hàng đưa khách say về tận nhà" là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là có người khi đã say, khó điều chỉnh được thần kinh của mình nên đã có những hành động kỳ quặc như nói lảm nhảm một mình, gây gổ cãi lộn với bạn nhậu, với nhà hàng, phá phách, không tự nhận mình say… Vậy nhà hàng biết xử trí ra sao đối với khách hàng ương ngạnh này?
Anh Nguyễn Văn Cường (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ): Tăng chế tài xử lý người tham gia giao thông khi say rượu
Đối với giao thông đường bộ, việc uống rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Họ sẽ dễ vi phạm lỗi về tốc độ, xử lý tình huống trên đường kém… làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do đó, "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Pháp luật cũng quy định khắt khe về nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông. Tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn thành 2 mức đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và 3 mức đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng. Trong đó mức phạt cao nhất là: "Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày đối với người điều khiển xe ô tô; phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy…". Theo tôi, để giảm thiểu tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia thì công tác tuyên truyền tác hại về rượu, bia và tai nạn giao thông cần được tăng cường; chế tài xử lý người tham gia giao thông vi phạm do say rượu, bia cũng cần nghiêm khắc hơn nữa thì tác dụng răn đe, giáo dục mới đạt hiệu quả cao. Như vậy, sẽ không phải "phiền" đến các nhà hàng, không phải tổ chức mô hình thí điểm nhà hàng phải giữ xe, gọi xe hay đưa khách về nhà.
Ông Lê Việt Dũng (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai): Còn nhiều vấn đề đáng quan tâm
Việc đưa khách say về nhà là rất tốt. Nhưng liệu những nhà hàng kinh doanh có làm nổi dịch vụ này không? Bởi có rất nhiều vấn đề xảy ra: Người say không nhớ rõ địa chỉ nhà mình, không mang theo điện thoại hay giấy tờ tùy thân thì lúc đó nhà hàng phải đưa họ về đâu? Nếu khách vì uống rượu say mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, bị đột quỵ… thì nhà hàng phải xử trí thế nào? Khi khách say rồi, tài sản mang theo trên người bị mất mát mà chưa rời nhà hàng, ai chịu trách nhiệm?...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.