(HNM) - Bộ Xây dựng vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định về Quản lý chất thải rắn xây dựng. Đáng lưu ý, dự thảo có quy định khi muốn thi công, sửa chữa nhà ở riêng lẻ, người dân phải có bản kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng, gửi lên UBND phường, xã nơi xây dựng công trình. Trước vấn nạn đổ trộm phế thải tràn lan mà vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để trong thời gian qua, nội dung này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, phế thải vẫn đổ tràn lan trên phố. |
Bà Lê Nga (Công ty Luật Việt Hà): Cụ thể hóa văn bản luật
Năm 2015, Chính phủ đã ra văn bản về việc quản lý chất thải và phế liệu (Nghị định 38/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, văn bản này mới đưa ra những quy định chung. Ví dụ như Điều 16, quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt: Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; hộ gia đình, cá nhân phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.
Do đó, với dự thảo lần này của Bộ Xây dựng, đây là việc cụ thể hóa văn bản luật, đưa ra những yêu cầu cụ thể về quy trình, những nội dung mà người dân phải báo cáo. Dự thảo nêu rõ: Chủ hộ phải ước tính khối lượng chất thải rắn xây dựng tại công trình nhà mình; đưa các kế hoạch cụ thể về việc thu gom chất thải rắn trong quá trình triển khai dự án. Cụ thể như chủ hộ phải báo cáo tên cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm thu gom và tái chế hoặc xử lý số chất thải nói trên; nơi thu gom chất thải rắn phải có bạt che, không ảnh hưởng đến giao thông và bảo đảm mỹ quan đô thị...
Ông Lê Trung Dũng - Trưởng phòng Tuyên truyền (Công ty Môi trường đô thị Hà Nội): Hồ sơ cấp phép xây dựng phải kèm hợp đồng vận chuyển chất thải
Theo Khoản 2 Điều 11 Chương II quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 3-6-2013 của UBND TP Hà Nội thì các tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân làm phát sinh rác thải xây dựng phải có biện pháp bảo vệ môi trường, không làm phát tán bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu trữ chất thải rắn xây dựng; phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng về đúng nơi quy định của thành phố. Nhưng thực tế, các hộ gia đình, cá nhân có chất thải xây dựng đều thuê tư nhân vận chuyển. Vì lý do lợi nhuận các cá nhân này đều không đưa đến bãi tập kết theo quy định của thành phố mà đổ trộm bừa bãi ra đường phố gây bụi và ô nhiễm môi trường.
Về chủ trương người dân khi xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng gửi chính quyền địa phương phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường, đề nghị các cấp có thẩm quyền khi cấp phép xây dựng yêu cầu hộ gia đình ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải với đơn vị môi trường. Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ xây dựng, chủ phương tiện đổ phế thải rắn ra đường phố, nơi công cộng.
Bà Nguyễn Thu Hằng (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng): Quản lý ngay từ đầu nguồn
Thời gian qua, tình trạng rác thải, phế thải xây dựng đổ trộm khá nhiều. Mặc dù cơ quan chức năng đã một số lần bắt quả tang, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng hiệu quả răn đe chưa cao. Nếu chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu thì chắc chắn vấn nạn này sẽ tiếp tục tái diễn, nhiều chủ xây dựng nhỏ lẻ sẽ bằng mọi cách tìm chỗ thải tùy tiện nhất để giảm chi phí. Còn với quy định cụ thể này, sẽ là hành lang pháp lý, giúp cơ quan chức năng địa phương quản lý ngay từ đầu nguồn phát thải. Ví dụ như khi thi công hoặc sửa chữa nhà, các hộ dân phải thông báo cho cán bộ quản lý xây dựng xã, phường, thị trấn về khối lượng xả thải. Lực lượng này sẽ có nhiệm vụ kiểm tra thực tế, làm việc với các cơ quan, đơn vị được chủ hộ ký hợp đồng thuê thu gom, xử lý… Trường hợp không thực hiện đúng sẽ bị xử phạt, đình chỉ thi công… Quản lý ngay từ đầu nguồn phát thải như vậy sẽ không còn tình trạng đổ trộm bùn đất ra phố, vỉa hè vào ban đêm.
Ông Nguyễn Huy Dũng (quận Đống Đa): Cần quy hoạch các điểm tập kết chất thải tập trung
Yêu cầu người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng báo cáo chính quyền địa phương nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của chủ hộ xây dựng. Khi quy định này có hiệu lực, người dân nào cũng phải chấp hành.
Tuy nhiên, có những trường hợp người dân muốn chấp hành quy định pháp luật cũng chưa chắc đã dễ dàng. Những hộ dân diện tích xây dựng nhỏ hoặc chỉ sửa chữa cơi nới thì số lượng phế thải phát sinh không nhiều, khó có thể ký hợp đồng với đơn vị môi trường. Nên chăng, mỗi địa phương cần quy hoạch vị trí phù hợp để làm điểm tập kết phế thải tập trung, có quy định mức phí thu gom và vận chuyển cụ thể. Trong khoảng thời gian nhất định, đơn vị môi trường sẽ thu gom vận chuyển số phế thải này đến nơi xử lý quy định. Biện pháp này vừa tăng được ý thức giữ gìn môi trường của người dân vừa làm căn cứ để xử phạt những hộ gia đình, cá nhân vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.