LienVietPostBank sẽ tiếp tục tập trung phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh mạng lưới, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, dễ bị ảnh hưởng bởi "tín dụng đen"", đó là chia sẻ của ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc LienVietPostBank.
- Ngân hàng bán lẻ được coi là một hoạt động cốt lõi của hệ thống ngân hàng, nhưng người thành công luôn có lối đi riêng. Điều này có đúng với LienVietPostBank?
- Thực tế hiện nay cho thấy, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến được vùng khó khăn, lạc hậu...
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số chỉ tiêu cụ thể như: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính…
Theo đó, để các sản phẩm dịch vụ tài chính đến được với số đông người dân, đặc biệt là ở những khu vực còn chậm phát triển về kinh tế - xã hội thì mở rộng mạng lưới các điểm giao dịch “vật lý” của ngân hàng sẽ vẫn là con đường mà LienVietPostBank lựa chọn.
- Tại đại hội cổ đông của LienVietPostBank trước đây, ông đã từng nói “để thực hiện chiến lược ngân hàng bán lẻ, LienVietPostBank phải “phủ sóng” các phòng giao dịch đến tận các xã, huyện, thị trên cả nước”. Ông có thể cho biết kế hoạch này đến thời điểm hiện tại?
- Thực tế hiện nay, các điểm giao dịch của hầu hết ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Trong khi đó, tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà dư địa bán lẻ còn rất lớn thì các điểm giao dịch ngân hàng vẫn thưa thớt. Các ngân hàng khá e dè mở mới điểm giao dịch tại địa bàn này bởi chi phí đầu tư cao và khách hàng chủ yếu là nhỏ, lẻ nên thời gian thu hồi vốn chậm.
Nhận ra thực trạng đó, trong những năm qua, chúng tôi đã tập trung mở rộng mạng lưới ngân hàng tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện tại các huyện thành các phòng giao dịch ngân hàng. Quá trình nâng cấp đã từng bước hoàn tất để phát huy hiệu quả, tạo lợi thế bán lẻ cho LienVietPostBank.
- LienVietPostBank vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới tại khu vực nông thôn nhưng cùng với đó là đẩy mạnh hệ thống giao dịch trực tuyến. Có phải ngân hàng đang “đốt tiền”?
- Tôi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, việc kết hợp phát triển đồng thời mạng lưới điểm giao dịch vật lý cùng với hệ thống giao dịch trực tuyến, mà cụ thể ở đây là ngân hàng số - LienViet24h là mô hình được coi là phù hợp nhất với thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại.
Chúng ta biết rằng, với đặc thù là 65% dân số sống ở vùng nông thôn, người dân cần có thời gian để được hướng dẫn, đào tạo sử dụng dịch vụ số. Chính vì vậy, LienVietPostBank lựa chọn chiến lược đón đầu xu thế, vừa phát triển mạng lưới vật lý, vừa chú trọng phát triển ngân hàng số.
Năm 2021, chúng tôi đặt kế hoạch có thêm 1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng và đến năm 2025 có khoảng 5 triệu khách hàng sử dụng LienViet24h. Nền tảng về tài sản, mạng lưới, con người, công nghệ và dịch vụ…, tất cả đã sẵn sàng cho định hướng nằm trong nhóm ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam của LienVietPostBank.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, LienVietPostBank sẽ “đi” 2 chân đồng thời: Online tăng thêm giá trị cho offline, offline hỗ trợ cho online. Hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước với 556 chi nhánh/phòng giao dịch và 613 phòng giao dịch bưu điện, công nghệ và chuyển đổi số chính là “lối đi tắt” giúp LienVietPostBank giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao năng suất lao động trên toàn hệ thống. Ngược lại, lợi thế mạng lưới trở thành dòng chảy lan tỏa trực tiếp và rộng khắp trong tư vấn và triển khai các dịch vụ ngân hàng số.
- Trong đại dịch, kết quả kinh doanh của ngân hàng khả quan: Cổ phiếu ngân hàng sau khi chuyển sàn đã tăng giá mạnh; LienVietPostBank trong TOP ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán hàng bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) nhanh nhất thị trường… Đây có lẽ là những tin vui đối với cổ đông?
- Từ năm 2016, LienVietPostBank đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam trong thời hạn 5 năm và bắt đầu triển khai kinh doanh từ tháng 2-2017. Thời gian đầu, ngân hàng lựa chọn mô hình Refer - giới thiệu khách hàng cho các chuyên viên tư vấn bảo hiểm của Dai-ichi ngồi tại các chi nhánh/phòng giao dịch tư vấn bán.
Sau thời gian cho hệ thống làm quen với dịch vụ mới, kết hợp các khóa đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp, LienVietPostBank đã dần chuyển dịch sang mô hình bán bảo hiểm trực tiếp và từ tháng 1-2021, chúng tôi áp dụng mô hình này trên toàn hệ thống của ngân hàng.
Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định đây là một quyết định đúng đắn, góp phần đưa LienVietPostBank trong TOP ngân hàng có tốc độ tăng trưởng Bancassurance nhanh nhất với doanh số phí bảo hiểm thực thu năm nhất (FYP).
Còn đối với việc cổ phiếu LPB giao dịch trên sàn HoSE là một trong những dấu ấn quan trọng đối với ngân hàng. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE nhằm công khai, minh bạch hơn nữa thông tin của ngân hàng đối với các cổ đông và nhà đầu tư.
Qua kiểm chứng thực tế, quyết định chuyển sang sàn HoSE với tiêu chuẩn niêm yết cao hơn, minh bạch hơn, tập trung nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hơn, thanh khoản cao hơn…, đã giúp nâng tầm thương hiệu và giá trị của ngân hàng và thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.