Sáng 20-2, bé 3 tháng tuổi mắc viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) được ra viện, đưa số ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi lên 15/16 ca. Thành tích này có được là nhờ Việt Nam có phác đồ điều trị phù hợp, luôn luôn cập nhật với các nước trên thế giới.
Tính đến sáng 20-2, Việt Nam có thêm trường hợp bé 3 tháng tuổi mắc Covid-19 đã được chữa khỏi và ra viện, như vậy đã có 15/16 ca nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi. Đây là thành tích không nhỏ của Việt Nam với phác đồ điều trị phù hợp trong khi hiện thế giới chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng bệnh này và dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Chia sẻ về phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho biết: “Ngay từ khi bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về chẩn đoán điều trị. Tất cả tài liệu của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã rất đầy đủ".
Phác đồ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 tại Việt Nam cũng xuất phát từ những nghiên cứu của Trung Quốc và các nước khác, cũng như những kinh nghiệm của người thầy thuốc qua điều trị cho hàng trăm, hàng nghìn ca điều trị bên Trung Quốc và dựa trên thông tin từ những trung tâm nghiên cứu lớn của WHO.
"Từ những kinh nghiệm của đồng nghiệp, Việt Nam đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mình. Hiện phương pháp điều trị của chúng ta là chưa cần những thuốc điều trị đặc biệt mà vẫn sử dụng những loại thuốc sẵn có theo từng tình trạng của mỗi người bệnh”, Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp khẳng định.
Cũng theo Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, đến nay, phác đồ điều trị viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 cũng liên tục được cập nhật. Bởi Trung Quốc liên tục có những nghiên cứu từ các ca mắc bệnh để tìm ra phác đồ phù hợp; họ nghiên cứu từ 40 bệnh nhân đầu tiên rồi đến vài trăm và hàng nghìn bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Vì vậy, luôn có những điểm mới, điểm cải tiến và Việt Nam luôn phải cập nhật. Có thể, phải rất lâu sau khi dịch kết thúc, các thống kê cuối cùng mới mang lại kết quả và cái nhìn toàn cảnh hơn về dịch Covid-19.
Theo đó, những người nhiễm Covid-19, sau khi được điều trị khỏi, âm tính với vi rút thì không còn khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác. Với bệnh nhân viêm phổi, nhưng không bị suy hô hấp, không cần thở máy, quá trình điều trị đơn giản hơn rất nhiều.
“Về nguyên tắc, khi người bệnh hết vi rút có nghĩa hệ miễn dịch đã đủ mạnh để quét sạch vi rút, họ sẽ không phát tán vi rút, không lây bệnh cho người khác và cho cộng đồng. Nhưng vì đây là bệnh mới, đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, nên với các bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính với vi rút, khỏi bệnh, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi y tế tiếp cho các bệnh nhân này”, Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: “Từng ca bệnh ra viện đã mang lại niềm tin cho cả cộng đồng ở Việt Nam và với cả thế giới khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới".
WHO cũng đánh giá cao nỗ lực này của Việt Nam. Hiện nay, qua đánh giá sơ bộ, Việt Nam đã có đủ mô hình bệnh nhân gồm: Bệnh nhân trẻ, bệnh nhân già; bệnh nhân là trẻ em; người già có nhiều bệnh nền, nhiều tai biến…
"Chúng ta đã điều trị hết sức tích cực và bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Đặc biệt, không có bệnh nhân nào tử vong, trong khi kể cả các nước hiện đại như: Nhật Bản, Pháp cũng đã công bố có bệnh nhân tử vong. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy những nỗ lực của các bác sĩ Việt Nam, nỗ lực của người bệnh và của các cơ quan quản lý đã cho ra những phác đồ điều trị trúng, đúng, không để người bệnh tử vong. Đặc biệt, tính đến giờ phút này cũng chưa có thầy thuốc nào của Việt Nam bị lây nhiễm bệnh, là những điều rất đáng mừng”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.