(HNM) - Sau hơn một năm rưỡi thực hiện (từ ngày 1-7-2015), việc liên thông giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký khai sinh (ĐKKS), đăng ký thường trú (ĐKTT), cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đã không còn lúng túng. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện đúng quy định về thời hạn giải quyết, dẫn đến chậm trả kết quả cho công dân.
Để triển khai thực hiện hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến đối với các TTHC liên thông theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15-5-2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế và Quyết định số 4531/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 10-9-2015 ban hành quy chế thực hiện liên thông các TTHC về ĐKKS - ĐKTT - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Tư pháp đã có hướng dẫn về quy trình thực hiện. Theo đó, việc thực hiện tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố là 7 ngày làm việc. Trong đó, thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại UBND xã không quá 1,5 ngày; tại cơ quan công an cấp huyện không quá 4,5 ngày và tại Bảo hiểm xã hội cấp huyện không quá 3 ngày.
Tuy nhiên, mới đây, khi kiểm tra sổ sách theo dõi hồ sơ, Đoàn kiểm tra công vụ của Sở Nội vụ đã phát hiện nhiều thiếu sót. Tại xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), ngày 16-1-2017 mới chuyển giao sang cơ quan công an 11 hồ sơ ĐKKS từ ngày 4-1-2017, và thời điểm đoàn kiểm tra là ngày 3-2 thì toàn bộ số hồ sơ đó cũng chưa được Công an huyện hoàn trả. Như vậy là số hồ sơ này đã bị chậm hơn 20 ngày so với quy định mà vẫn chưa có kết quả hồi âm. Theo ông Vũ Mạnh Cường, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì): “Lâu nay phía Công an huyện vẫn chậm trả hồ sơ về UBND xã nhưng chúng tôi cũng không biết nguyên do tại sao”.
Tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn), cán bộ, công chức cũng thường gom hồ sơ ĐKKS rồi chuyển giao cho Công an xã 1 tuần/lần. Thậm chí, tại xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên), có một đồng chí công an được bố trí ngồi chung địa điểm ngay tại bộ phận “một cửa” của UBND xã nên rất thuận tiện tiếp nhận hồ sơ ĐKKS, song vẫn phải chờ có khoảng 10 hồ sơ thì mới chuyển vì lý do trụ sở Công an huyện cách xa hơn 16km. Tương tự, việc cấp thẻ BHYT tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây cũng chậm so với thời hạn quy định. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu cũng là do cán bộ, công chức thường gom hồ sơ rồi khoảng 1 tuần chuyển một lần.
Như vậy, việc thực hiện sai thời hạn quy định trong liên thông giải quyết các TTHC về ĐKKS, ĐKTT, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi có cả lỗi do UBND xã chậm chuyển giao hồ sơ, lỗi do công an huyện, do BHXH huyện chậm chuyển trả hồ sơ, và quan trọng là khâu phối hợp chưa nhuần nhuyễn giữa các bên. Đây cũng là tình trạng phổ biến khi mới thực hiện liên thông giải quyết TTHC. Tuy nhiên, một số đơn vị đã khắc phục triệt để được việc này. Điển hình như ở quận Nam Từ Liêm, thời gian đầu mới triển khai liên thông, việc trả kết quả hồ sơ cho công dân thường chậm so với thời hạn quy định.
Trước tình hình đó, UBND các phường đã chủ động báo cáo và lãnh đạo UBND quận đã sớm tổ chức cuộc họp ba bên để tìm nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc rồi thống nhất phương án phối hợp, trong đó, quy định rõ thời hạn giải quyết TTHC đối với từng cơ quan. Đặc biệt, để bảo đảm thời hạn, Công an các phường của quận Nam Từ Liêm đã chủ động cuối giờ hằng ngày sang UBND phường nhận hồ sơ ĐKKS mang lên Công an quận rồi khi Công an quận giải quyết xong lại mang về bàn giao lại cho UBND phường. Điều này giúp giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức phường và bảo đảm tiến độ giải quyết hồ sơ ĐKTT cho công dân.
Thực tế là ở địa bàn các huyện có nhiều khó khăn như địa bàn rộng và đường đi không thuận tiện nên khá vất vả cho cán bộ chuyển giao, tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, không thể lấy đó làm lý do để công dân phải chờ đợi kết quả TTHC lâu hơn thời hạn quy định. Nên chăng, các đơn vị cần tham khảo cách làm của những nơi đã làm tốt, tìm giải pháp tối ưu thực hiện hiệu quả công tác phối hợp nhằm thực hiện tốt việc liên thông giải quyết TTHC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.