(HNM) - Những năm gần đây, đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đã chứng minh được hiệu quả hoạt động trong việc định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Khi các hộ sản xuất nhỏ (cá thể) tập hợp nhau lại trong một tổ chức kinh tế tập thể (hợp tác xã nông nghiệp) sẽ giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề đặt ra trong sản xuất, kinh doanh cũng như việc bảo đảm lợi ích của người nông dân. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa khẳng định được vai trò chủ thể trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và còn khoảng cách khá xa so với đòi hỏi thực tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên và đều không phải là vấn đề mới. Hiện tại, rất nhiều hợp tác xã nông nghiệp thiếu vốn đầu tư nhưng chưa thể tiếp cận nguồn hỗ trợ của các tổ chức tín dụng vì không đủ điều kiện thế chấp. Trong khi đó, các chính sách về đất đai vẫn còn vướng mắc, bất cập khi triển khai nên nhiều hợp tác xã vẫn phải thuê, mượn văn phòng để làm việc. Thêm nữa, ngay các thành viên cũng chưa thấy được trách nhiệm của chính mình đối với sự sống còn của hợp tác xã mà vẫn giữ thói quen, cung cách lao động "tự do", chưa đề cao tinh thần hợp tác... Và đáng nói hơn là nhiều hợp tác xã chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường, do vậy lợi ích kinh tế trực tiếp mang lại chưa cao…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, cùng với việc đổi mới tư duy về phát triển hợp tác xã, thời gian vừa qua, nhiều cơ chế chính sách đã được triển khai từ cấp trung ương tới địa phương mang lại kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tạo nền tảng mới, cần có sức mạnh, động lực mới!
Trước hết, vấn đề quan trọng là cần hoàn thiện thể chế, chính sách về hợp tác xã, có cơ chế hỗ trợ theo hướng tập trung phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với các chuỗi giá trị cũng như liên kết hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp trong việc đưa công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời tạo điều kiện hơn nữa cho các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh...
Mặt khác, cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo các hợp tác xã, đặc biệt trong xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước trong vai trò “bà đỡ” phải tăng cường định hướng, khuyến khích, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp trong sản xuất, chế biến và tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Đối với chính quyền địa phương, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức như xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất...
Về phía các thành viên hợp tác xã cần phát huy vai trò chủ thể của chính mình trong các mối liên kết, từ việc tuân thủ quy định về quy trình canh tác, vệ sinh an toàn thực phẩm… đến bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm ổn định trong quá trình hợp tác; hài hòa lợi ích, đồng thời giữ vững thương hiệu cho cả nhà sản xuất và nhà phân phối…
Liên kết giữa các thành viên hợp tác xã, giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, giữa sản xuất và thị trường là nền tảng căn bản, tạo sức mạnh và động lực phát triển nhanh, bền vững của các hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.