(HNM) - Thời gian qua, TP Hà Nội đã liên tiếp triển khai ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Thủ đô với các địa phương được đánh giá là hết sức quan trọng, mang tính chiến lược cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Hạ Long (Quảng Ninh) là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách từ Hà Nội đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Cảng tàu khách Tuần Châu. |
Là một trong hai vùng trọng điểm du lịch (cùng với TP Hồ Chí Minh), Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối để thúc đẩy phát triển du lịch.
Hà Nội - điểm kết nối trọng yếu
Hà Nội có thế mạnh về du lịch văn hóa di sản nhờ sở hữu 5.175 di tích, văn hóa lịch sử, trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng quốc gia; nhiều di sản đã được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội Gióng... Với 1.350 làng nghề và có nhiều làng nghề nổi tiếng: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, thêu Quất Động...; địa thế núi non, sông hồ đa dạng và nhiều hồ nước nổi tiếng: Hồ Gươm, Hồ Tây, Suối Hai..., Thủ đô có thể phát triển du lịch làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí. Những năm qua, du lịch Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định và được thế giới đánh giá cao: Một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Châu Á, điểm đến hấp dẫn thứ 8 thế giới...
Trong giai đoạn 2010-2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế chung, nhưng lượng khách vẫn tăng bình quân hơn 10%; năm 2015 đạt 16,4 triệu lượt khách du lịch nội địa, 3,36 triệu lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt, khách nội địa 9,9 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 31,3 nghìn tỷ đồng. Hà Nội cũng có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tốt với đường bay thẳng tới hơn 40 quốc gia trên thế giới và đường bay nội địa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng, việc Hà Nội ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng... nhằm nâng cao hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với các địa phương; đồng thời, phát huy tối đa sức sáng tạo, chủ động của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, đề cao sự hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải quyết công việc quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương.
Vì thế, những nội dung hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố rất cụ thể như: Sẽ triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú, tài nguyên và các sản phẩm, dịch vụ du lịch; thường xuyên và định kỳ hằng quý trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch. Phối hợp tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; liên kết, hợp tác kết nối tour đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Hà Nội, các tỉnh, thành phố và ngược lại; phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức nghiệp vụ cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và cán bộ quản lý du lịch của các tỉnh, thành phố. Các địa phương sẽ tham gia các sự kiện du lịch, hoạt động quảng bá, xúc tiến, hội chợ tại các thị trường du lịch trong nước và quốc tế lớn do các tỉnh, thành phố tổ chức. Hằng năm, các bên luân phiên phối hợp tổ chức từ 1 đến 2 chương trình, sự kiện du lịch chung…
Hội chợ là nơi thúc đẩy liên kết phát triển du lịch Hà Nội với cả nước. Ảnh: Hải Anh |
Phát triển nhiều tour, tuyến mới
Đề cập đến mối liên kết giữa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: "Trong thời gian tới, 3 tỉnh, thành phố sẽ phát huy tour tuyến, thế mạnh của 3 địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nên thế mạnh của tam giác này, bởi đây là vùng trọng điểm của du lịch của cả nước, quy tụ sức hút của vịnh Hạ Long, khu đa dạng sinh học Cát Bà và Hoàng thành Thăng Long".
Thực tế cho thấy, du lịch biển đảo của các tỉnh phía Bắc còn chưa phát triển. Hải Phòng gần như chỉ có Đồ Sơn, còn Quảng Ninh thì tập trung vào vịnh Hạ Long. Với 10 triệu dân và lượng khách quốc tế là hơn 3 triệu lượt người/năm, Hà Nội là nơi cung cấp khách du lịch hàng đầu cho Hải Phòng và Quảng Ninh. Có kinh nghiệm làm du lịch từ rất lâu với lực lượng hùng hậu (hơn 500 công ty lữ hành quốc tế), Hà Nội cũng có thể giúp Quảng Ninh, Hải Phòng trong nhiều lĩnh vực như đào tạo nhân lực, phát triển các công ty lữ hành.
Đối với các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang..., thời gian qua, các địa phương đã có sự liên kết, xác định lợi thế của mình, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu không chỉ cho người dân Hà Nội, mà cả du khách trong và ngoài nước tới Thủ đô, từ đó kéo du khách đến với các địa phương. Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại Hội chợ Du lịch Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống...
Các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và các địa phương trên cả nước cũng đã có sự hợp tác tương đối tốt, thể hiện qua việc các đơn vị thường xuyên gửi khách đến cho nhau. Bà Lâm Thị Diễm Trâm, Giám đốc Công ty Lữ hành Đảo Ngọc Tourist (Phú Quốc, Kiên Giang) chia sẻ, thời gian tới, các công ty lữ hành ở Phú Quốc sẽ thiết kế một sản phẩm du lịch đặc sắc của riêng Phú Quốc, sau đó nhờ các đối tác tại Hà Nội giới thiệu rộng rãi tới du khách Thủ đô.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietnam Travel Mart cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh việc bán sản phẩm mới của du lịch Thủ đô là "Cảm xúc Hà Nội" tới du khách Đà Nẵng. "Mùa hè này, chúng tôi triển khai nhiều tour du lịch từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung, trong đó thành công nhất là tour du lịch Hà Nội - Quy Nhơn. Tới đây, công ty sẽ triển khai thăm dò một số tuyến Hà Nội - Ninh Thuận, Hà Nội - Mũi Né..." - ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết thêm.
Bản chất của du lịch là liên kết và bản thân các doanh nghiệp du lịch Hà Nội và các địa phương đã liên kết với nhau khá tốt. Tuy nhiên, khi có sự vào cuộc của các nhà quản lý, việc hợp tác sẽ tốt hơn rất nhiều do có sự trao đổi thông tin, điều tiết về giá cả, dịch vụ; và quan trọng hơn, mối liên kết sẽ gắn kết sâu sắc, bền vững hơn. Bởi thế, đẩy mạnh liên kết với các địa phương, không chỉ có du lịch Hà Nội mà cả Ngành Du lịch của các địa phương khác sẽ cùng nhau phát triển mạnh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.