(HNM) - Nông dân sản xuất ra nông sản nhưng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, phụ thuộc nhiều vào thương lái, giá bán trên thị trường bấp bênh.
Tại một số địa phương, chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được triển khai song thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý... Đó là những thông tin đưa ra tại hội thảo "Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam" vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức.
Thu hoạch nhãn chín muộn ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt |
Mối liên kết lỏng lẻo
Ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp đang bộc lộ bất cập, nhất là trong liên kết chăn nuôi lợn và gia cầm. Dù chiếm 90% thị phần thực phẩm, song hai chuỗi sản xuất và tiêu thụ này mới ở dạng tự phát, phát triển thiếu bền vững, ảnh hưởng lớn đến nguồn cân đối cung cầu và điều tiết giá cả thị trường thực phẩm trong nước.
Thực tế khảo sát cho thấy, liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp sẽ hạn chế được 2-3 khâu trung gian khi đưa sản phẩm ra thị trường. Song do hạn chế về vốn nên các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, chưa phát huy được vai trò đầu mối trong sản xuất và kết nối với nhau. Hệ lụy là sự phát triển rời rạc, lỏng lẻo giữa các khâu trong chuỗi tiêu thụ nông sản tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ các khâu trong chuỗi liên kết dẫn tới doanh nghiệp không mặn mà. Việc ký kết hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu chặt chẽ, có thời điểm được giá, nông dân phá vỡ hợp đồng bán sản phẩm ra thị trường, ngược lại khi giá xuống thấp, doanh nghiệp không thu mua sản phẩm nông sản của nông dân. Sự chia sẻ lợi ích trong chuỗi cũng nhiều điểm bất hợp lý, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10-20%, trong khi đó giá bán sản phẩm nông sản trên thị trường, doanh nghiệp hưởng giá trị cao gấp 3-5 lần so với giá mua trực tiếp của nông dân.
Ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty cổ phần Trứng sạch Tiên Viên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, công ty có 20.000 con gà hậu bị, 25.000 gà đẻ trứng, cung cấp cho thị trường 30.000 quả trứng/ngày, ngoài ra còn liên kết với 15 trang trại chăn nuôi gà ở các địa phương lân cận trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bước đầu mô hình này đã kiểm soát được chất lượng trứng, giá trứng của nông dân được thu mua ổn định. Tuy nhiên, việc liên kết chuỗi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do ý thức của người dân chưa cao, việc ghi chép sổ sách nhật ký từ khi nhập con giống tới xuất chuồng thiếu chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn. Giá thuê cửa hàng trưng bày, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội cao nên thu không đủ bù chi, dẫn tới nhiều cửa hàng tiêu thụ nông sản tự đóng cửa.
Cần sự thống nhất
Bà Vũ Thị Vân Phượng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại cho biết, để chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả phải có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trong mối liên kết "bốn nhà", doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Nhờ liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý chất lượng để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn, chất lượng. Còn về phía doanh nghiệp phải đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để tham gia vào mô hình liên kết mới phát huy được hiệu quả cao nhất...
Theo ông Trần Đình Dũng - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, dứt khoát phải minh bạch, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro của các thành viên trong toàn chuỗi. Để thực hiện được, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu cơ chế, chính sách bảo đảm các hợp đồng thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi được thực hiện công khai minh bạch và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp; có chính sách bảo hiểm thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để họ yên tâm tham gia liên kết chuỗi. Đồng thời, mở rộng thị trường và tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các hội chợ triển lãm thương mại quốc tế, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức để quảng bá sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường trong và ngoài nước để nhiều người biết đến sản phẩm nông nghiệp sạch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.