(HNMO) - Ngày 24-6, khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (UN) Antonio Guterres đã nhấn mạnh, sự đoàn kết giữa tất cả quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên là ưu tiên hàng đầu khi giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trong khối.
Theo quan điểm của ông Antonio Guterres, việc có một chính sách di cư châu Âu thể hiện được sự đoàn kết của các quốc gia thành viên sẽ là điều rất quan trọng. Ông Antonio Guterres cũng lưu ý, không quốc gia nào có thể một mình giải quyết những thách thức liên quan đến người di cư và tị nạn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia là điểm xuất phát, quá cảnh và điểm đến đối với người di cư và tị nạn, nhằm mục đích tạo ra "những tuyến đường di cư thường xuyên, an toàn và có trật tự".
Theo Tân Hoa xã, năm 2015, EU từng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có trong tiền lệ do ảnh hưởng của tình trạng xung đột tại phía Bắc châu Phi và Trung Đông. Các quốc gia ở ngưỡng cửa châu Âu như Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã gặp nhiều khó khăn trong quản lý dòng người di cư vì không có sự chuẩn bị sẵn.
Kể từ thời điểm đó, nhiều người di cư đã thiệt mạng trong nỗ lực vượt biển Địa Trung Hải. Theo số liệu chính thức, trong giai đoạn từ tháng 1 đến 5-2021, EU đã ghi nhận 32.622 lượt người di cư, chủ yếu đến từ một số quốc gia như Tunisia, Algeria, Bangladesh, Syria...
Tháng 9-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một hiệp ước toàn diện mới về di cư và tị nạn, trong đó đề ra các thủ tục đơn giản hơn trong toàn bộ hệ thống tị nạn và di cư, đồng thời, giữ cân bằng các nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm và đoàn kết một cách công bằng.
Cũng liên quan vấn đề di cư và tị nạn, AFP thông tin, hơn 4.000 người tị nạn đã được chuyển từ Hy Lạp đến nhiều quốc gia châu Âu khác kể từ tháng 4-2020. Trong ngày 24-6, 43 trường hợp xin tị nạn đã đáp chuyến bay từ Hy Lạp đến Pháp, theo thông báo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
"Chúng tôi tự hào vì đã tái định cư cho 4.000 người từ Hy Lạp và tự tin có thể làm được nhiều hơn nữa cùng với Hy Lạp, các đối tác và chính phủ các quốc gia châu Âu", Trưởng phái bộ IOM tại Hy Lạp Gianluca Rocco nói.
Athens tuyên bố, hồi tháng 5 vừa qua, số lượng người xin tị nạn tại Hy Lạp đã giảm xuống dưới 10.000 người lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu xảy ra vào năm 2015, giảm so với gần 20.000 trường hợp được ghi nhận vào tháng 11-2018.
Mireille Girard, đại diện UNHCR tại Hy Lạp cho biết, các quốc gia châu Âu đã thể hiện tình đoàn kết quan trọng với các cộng đồng của Hy Lạp thông qua việc tái định cư những người di cư và xin tị nạn dễ bị tổn thương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.