(HNMO) - Ngày 17-11 (giờ địa phương), Liên hợp quốc (UN) đã trích 100 triệu USD từ ngân sách khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói tại 7 quốc gia có nguy cơ cao nhất do xung đột, suy giảm kinh tế, biến đổi khí hậu và đại dịch toàn cầu Covid-19.
Ông Mark Lowcock, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của UN, cho biết 80 triệu USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ 6 quốc gia. Cụ thể, Yemen sẽ nhận được khoảng 30 triệu USD; Afghanistan và Đông Bắc Nigeria lần lượt nhận 15 triệu USD; Nam Sudan và Congo đều được hỗ trợ 7 triệu USD; khoản tiền 6 triệu USD sẽ dành cho Burkina Faso. Ngoài ra, 20 triệu USD cũng đã được trích ra để đề phòng tình hình tại Ethiopia trở nên tồi tệ hơn.
“Nạn đói khiến nhiều người thiệt mạng, thúc đẩy xung đột và chiến tranh. Tác động của nạn đói đối với một quốc gia sẽ kéo dài và gây nhiều thiệt hại. Chúng ta không nên coi nạn đói là không thể tránh khỏi của đại dịch Covid-19”, ông Mark Lowcock nhấn mạnh.
Việc sử dụng Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF) của UN là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để hỗ trợ ngăn chặn nạn đói, trong bối cảnh nguy cơ thực sự xảy ra vấn nạn này tại Burkina Faso, Đông Bắc Nigeria, Nam Sudan và Yemen, theo tuyên bố của OCHA.
Reuters cho biết, CERF đã nhận được gần 500 triệu USD trong năm 2020, qua đó cho phép ứng phó nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng nhân đạo mới hoặc các trường hợp khẩn cấp về tài chính mà không cần phải chờ đợi các khoản đóng góp riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.