Đây là lần thứ ba Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi ủng hộ cho quỹ phản ứng đại dịch mà cơ quan này triển khai từ tháng 3, với mức kêu gọi ban đầu là 2 tỷ USD.
Ngày 16-7, Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường thêm 3,6 tỷ USD cho Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu của tổ chức này để phục vụ các nỗ lực chống đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo các quốc gia phát triển về "cái giá của sự thờ ơ" nếu các nước nghèo hơn không nhận được hỗ trợ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách về các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock nhấn mạnh, nguy cơ nạn đói sẽ xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau và các nước cần đầu tư ngay từ bây giờ để ngăn chặn nguy cơ này.
Ngoài Somalia, Nam Sudan, Yemen và Nigeria, những quốc gia vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thì các quốc gia khác như: Sudan, Zimbabwe và Haiti đang ngày càng có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng này.
Theo ông Lowcock, nguồn vốn bổ sung sẽ được dùng để ứng phó với nạn đói gia tăng trên toàn cầu, hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, và chi trả cho các dự án hỗ trợ trang thiết bị y tế, các chiến dịch thông tin và thiết lập các cầu hàng không nhân đạo ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đánh giá trong thời gian qua, phản ứng của các nước giàu trước những diễn biến tại các quốc gia khác chưa thỏa đáng.
Ông Lowcock đề cập tới các cuộc thảo luận chưa có hồi kết tại Quốc hội Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng như thực tế lâu nay, các quốc gia vùng Vịnh không có đóng góp, đồng thời lưu ý nguy cơ Anh cắt giảm hỗ trợ cho Liên hợp quốc.
Ông kêu gọi những quốc gia này khôi phục sự tham gia tích cực như 2 hoặc 3 năm trước. Ông Lowcock cũng mong muốn Trung Quốc sẽ dành một phần đáng kể trong khoản cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD cho các quốc gia nghèo hơn để phân bổ cho các nỗ lực hỗ trợ trực tiếp.
Đây là lần thứ ba, Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi ủng hộ cho quỹ phản ứng đại dịch mà cơ quan này triển khai từ tháng 3, với mức kêu gọi ban đầu là 2 tỷ USD.
Với lời kêu gọi mới, tổng cộng nguồn vốn mà Liên hợp quốc cần cho kế hoạch này là 10,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tính từ tháng 3 tới nay, Liên hợp quốc mới nhận được 1,7 tỷ USD tiền ủng hộ.
Theo ước tính của Liên hợp quốc và Đại học Oxford (Anh), đến tháng 12-2020, 121 triệu người trên thế giới chịu tác động của tình trạng mất an ninh lương thực nếu cộng đồng quốc tế không có những hành động cụ thể.
Nguy cơ sẽ xảy ra tình trạng bất ổn và xung đột tại các quốc gia như: Liban, Senegal, Belize, Zambia, Zimbabwe và Burundi cũng là một hệ lụy khôn lường nếu các nước không hành động.
Tại các quốc gia nghèo, thiệt hại về người có thể sẽ rất nghiêm trọng nếu vi rút không được khống chế, với khoảng 1,67 triệu người tại 30 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp có thể sẽ tử vong vì dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.