(HNM) - Hôm nay (18-4), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây - Hà Nội), đồng bào các dân tộc có thêm một cơ hội để giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4).
Thực trạng đáng báo động
Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết: Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19-4 hằng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam", cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có cơ hội giao lưu, trao đổi, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình nhiều hơn thông qua các chương trình sinh hoạt văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và nhiều nơi khác. Mặt khác, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện cho đồng bào sinh hoạt văn hóa ngay tại cộng đồng. Mặc dù vậy, vốn văn hóa của các dân tộc vẫn đang từng ngày, từng giờ bị mai một.
Di sản cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được trình diễn trong không gian văn hóa của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Viết Thành |
Sự mai một đã đến mức báo động, khiến các địa phương phải lên tiếng "kêu cứu". Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Gia Lai nói: "Nếu như trước năm 1980, tỉnh Gia Lai có hàng chục nghìn bộ cồng chiêng thì hiện nay chỉ còn hơn 5.600 bộ, chủ yếu của người Jơ Rai và Ba Na. Dù đã rất cố gắng nhưng trước xu thế "sân khấu hóa cồng chiêng" diễn ra mạnh mẽ, di sản cồng chiêng ở Gia Lai ngày càng rời xa cộng đồng. Cứ đà này, một ngày không xa, người dân Gia Lai chỉ còn biết đến tiếng chiêng, chơi chiêng trong lễ hội hay trên sân khấu biểu diễn". Năm năm trở lại đây, số cồng chiêng của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã giảm hơn 30%, người chơi chiêng cũng vơi khoảng một nửa. Trước tình trạng "chảy máu" cồng chiêng, tỉnh Đắc Lắc cấp 150 bộ cồng chiêng cho 150 nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn vùng sâu, vùng xa nhưng kết quả không được như mong muốn.
Nếu như di sản cồng chiêng là nét đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên thì những phiên chợ vùng cao gắn liền với đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc. Phiên chợ vùng cao được ví như bông hoa rừng mời gọi du khách gần xa, nay đang nhạt sắc hương. Phiên chợ Bắc Hà (Lào Cai), từng được Tạp chí Serendib (Sri Lanka) bình chọn là một trong 10 phiên chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á, nay họp trong khu chợ mới giống chợ của người miền xuôi, với những dãy ki ốt chia lô đều đặn, mái ngói đỏ tươi. Xung quanh chợ, đường sá, công viên, nhà cao tầng mọc lên san sát, phá vỡ không gian sinh hoạt văn hóa của chợ truyền thống. Còn ở vùng đồng bằng sông Hồng, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống đang dần… đi vào dĩ vãng.
Hãy để chủ thể văn hóa tự giới thiệu
Trước thực trạng vốn di sản văn hóa các dân tộc bị mai một, ông Hồ Anh Tuấn cho biết, Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi để chủ thể văn hóa tự giới thiệu, qua đó giúp đồng bào các dân tộc có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa quý.
Trên tinh thần ấy, trong không gian văn hóa của Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, từ ngày 19 đến 22-4, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Mường, Thái, Tày, Nùng đến từ các tỉnh vùng cao phía bắc sẽ tái hiện phiên chợ vùng cao với đầy đủ hàng hóa, những người đàn ông mặc trang phục dân tộc ăn thắng cố, uống rượu ngô, thổi khèn gọi bạn... Bên cạnh đó, 10 làng nghề dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ như Làng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), làng nghề làm trống Đọi Tam (Hà Nam)… sẽ giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tại triển lãm làng nghề truyền thống. Điểm nhấn của liên hoan là "Đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam" diễn ra trên sân khấu nổi Đồng Mô vào tối 19-4. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản chương trình nghệ thuật tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: Trên sân khấu được trang trí bởi các biểu tượng của văn hóa Việt Nam như Đền Hùng, hoa sen hồng 54 cánh, chợ vùng cao, chợ nổi Nam bộ, chợ đồng bằng và trung du Bắc bộ, tháp Mỹ Sơn, tượng Tây Nguyên, hơn 100 diễn viên cùng hơn 200 đồng bào dân tộc sẽ tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam qua một chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: "Đặc sắc văn hóa chợ Việt Nam", "Phơi phới sức thanh xuân", "Vận nước năm Rồng, Sen hồng rực rỡ - Tầm nhìn và khát vọng vươn lên". Ngoài ra, liên hoan còn nhiều hoạt động văn
hóa, nghệ thuật sôi nổi do chính đồng bào các dân tộc thể hiện.
Với nhiều hoạt động chọn lọc và mang đậm bản sắc, hy vọng Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh văn hóa các dân tộc mà còn hướng tới mục tiêu sâu xa hơn là kiểm kê vốn văn hóa các dân tộc thiểu số, từ đó có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.