(HNM) - Có những niềm vui nhen nhóm từ Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014 - diễn ra tại Hà Nội trong tuần qua, giới nghề phần nào thể hiện cái nhìn khả quan về sự phát triển lực lượng. Nhưng phía sau ánh đèn sân khấu vẫn có sự suy tư khi khả năng đón nhận, thưởng thức ca trù của xã hội còn hạn chế,
Một chút lạc quan
Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 khép lại vào cuối tuần qua. Viện Âm nhạc Việt Nam - cơ quan tổ chức - cho rằng liên hoan đem lại nhiều bất ngờ, nhiều nét mới, thành phần tham gia đông đảo: Hơn 300 người, 25 CLB; 126 tiết mục bao hàm đủ các thể cách kinh điển. Cũng từ liên hoan, có thể nhận ra sự nỗ lực phục dựng tiết mục ca trù cổ, có sự sáng tạo về cấu trúc đội hình biểu diễn… Theo Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam - TS Nguyễn Bình Định, từ năm 2008 trở về trước, ca trù lâm cảnh "sống" ảm đạm, thiếu sự quan tâm và thiếu không gian trình diễn; cả nước chỉ có vài nhóm ca trù, hoạt động rời rạc. Nay thì ca trù đã có sự thay da đổi thịt, sức sống trở lại mạnh mẽ. Những gì được ghi nhận tại liên hoan cho thấy Viện Âm nhạc đang đi đúng hướng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù.
Nhiều nghệ sĩ trẻ góp mặt trong Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014. Ảnh: Quang Trung |
Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - PGS.TS Vũ Nhật Thăng nhận xét về Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014: Đông người tham gia, từ lão niên tới lớp trẻ, đặc biệt là đào nương và kép trẻ đã có bước tiến dài, những điều đó cho thấy sự yêu thích và thái độ chuyên tâm rèn luyện ca trù đã trở nên phổ biến.
Liên hoan cho thấy ba xu hướng hoạt động ngoài biểu diễn của các CLB: Trao truyền kỹ thuật biểu diễn cho lớp trẻ, khai thác vốn cổ làm giàu tiết mục của CLB; phóng tác làm phong phú nhạc ca trù. Tất nhiên, thực hiện tốt những nhiệm vụ này không phải là điều đơn giản. Các thành viên Hội đồng nghệ thuật "nhắc khéo" lớp trẻ: Ngay từ bây giờ, phải biết lợi dụng các phương tiện nghe nhìn hiện đại, tham khảo tài liệu nghiên cứu ca trù để trau dồi kiến thức, cốt sao giữ gìn tính nguyên bản, tránh xảy ra hiện tượng pha tạp vô lối, nhố nhăng, dẫn tới phai nhạt bản sắc.
Nỗi lo còn đó
Ca trù được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ liên hoan này, có thể thấy tín hiệu của sự hồi sinh, ở mức nhất định, nhưng không vì thế mà người trong giới đã có thể yên tâm. Muốn ca trù vào đời sống, thể hiện sức sống vững bền trong cộng đồng thì cần có sự cố gắng của nhiều phía, nhiều cấp.
Trong những ngày diễn ra liên hoan, ông Nguyễn Đức Luống, 76 tuổi, Chủ nhiệm CLB Ca trù Đồng Trữ (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "Được thôn, xã, huyện đồng ý, CLB thực hiện nhiệm vụ phục hồi ca trù. Nhưng cái khó là người dân ham sự mới, dễ sống là dân ca, chèo, quan họ chứ thái độ hưởng ứng ca trù chưa nhiều, thường chỉ có các ông bà già am hiểu và nghĩ sâu lắng thì mới thường nghe môn nghệ thuật này".
Không chỉ có Chủ nhiệm Nguyễn Đức Luống lưu ý về sự "kén khán giả" của ca trù, nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, 87 tuổi - CLB Ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên, Hà Nội) cũng tỏ ý băn khoăn: "Người nghe ít đã đành, chúng tôi cũng không có điều kiện diễn thường xuyên. Mỗi năm CLB chỉ diễn vài lần vào dịp hội làng và đám khao thọ thôi". Cụ Nguyễn Thị Khướu kể: "Nhiều lần gặp, cụ Thanh (GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - NV) thường hỏi có khó khăn gì không, chúng tôi nói có rất nhiều. Cái khó lớn nhất nằm ở chỗ có nhiều người muốn theo học ca trù, nhưng vì không sống được bằng ca trù nên bỏ đi học cái khác. Tôi vì thích mà đi hát ca trù, hát cho vui chứ không có chế độ gì. Vài năm trước, ông Thanh còn đề nghị cho những người lớn tuổi có bảo hiểm y tế, nhưng rồi cũng chưa thấy gì".
Với nhiều CLB ca trù khác ở các địa phương, như CLB Ca trù thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), CLB Ca trù Đông Môn (Hòa Bình, Thủy Nguyên, Hải Phòng), CLB Ca trù thôn Đào Đặng (Trung Nghĩa, Hưng Yên)…, mối lo chung còn là điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động không đủ, dù nhu cầu cũng chỉ ở mức tối thiểu, "tằn tiện". Ngành văn hóa địa phương thì chỉ đủ sức hỗ trợ chút ít, chủ yếu là khi có kỳ cuộc. Việc duy trì hoạt động chủ yếu trông vào khoản đóng góp tự nguyện của các thành viên CLB.
Vậy là, dù có đánh giá thể hiện sự lạc quan, rằng ca trù được cộng đồng chăm sóc, đang "đơm hoa kết trái", nhưng có thể thấy, những người trực tiếp sống cùng ca trù vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức ngặt nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.