Các trò chơi ghép hình được có tên gọi chung là tangram, là tên của một trò chơi được truyền bá ở Châu Âu và Châu Mỹ từ thế kỷ XIX. Có thể tên trò chơi này là từ ghép bởi hai từ là "tan", bắt nguồn từ Trung Quốc, nghĩa là "nhà Đường" và "gramma", tiếng Hy Lạp, nghĩa là "đồ thị".
Một điều khá đặc biệt là dù được phát minh ở đâu thì đa phần các trò chơi ghép hình đều có 7 miếng ghép, ngoại lệ có trò chơi gồm 5 miếng. Con số 7 miếng ghép được cho là khá hợp lý. Nếu ít hơn 7 miếng thì trò chơi sẽ đơn giản hơn, số hình ghép được sẽ ít. Với 7 miếng, để tính số hình có thể ghép được là một bài toán tổ hợp khó. Ban đầu, ta đặt cố định một miếng ghép. Có nhiều hơn 10 cách ghép miếng tiếp theo, cứ như vậy đến miếng ghép thứ 7, ta có nhiều hơn một tỷ hình. Bỏ qua những hình ghép không có nghĩa hay trùng nhau, vẫn có thể có hàng triệu hình ghép đẹp để mọi người tha hồ phát huy trí tưởng tượng khi chơi. Người ta gọi 7 là con số ma thuật. Ngoại lệ là stomachion của Acrchimedes được ghép từ 14 miếng, số 14 gấp đôi số 7. Chắc chắn stomachion sẽ tạo ra hàng tỷ tỷ hình ghép và sẽ có hàng triệu tỷ hình ghép đẹp. Trò chơi này có lẽ quá khó chơi, dành cho những người đặc biệt thông minh và kiên trì.
Ngoài trò chơi tangram nổi tiếng thì trò chơi ghép hình từ 7 miếng được cắt ra từ hình quả trứng cũng rất được ưa chuộng. Hình quả trứng được tạo ra bằng cách vẽ một đường tròn to và lấy thêm bên ngoài một phần đường tròn nhỏ hơn rồi cắt hình đã cho thành 7 miếng. Khi ghép các miếng nhỏ với nhau, điều khó khăn là các cung tròn từ hình ban đầu khó ghép lại với nhau.
Ở Việt Nam, từ khoảng năm 1940 - 1943, Hà Nội và Sài Gòn bắt đầu phổ biến một trò chơi ghép hình mới do ông Nguyễn Trí Uẩn (1916 - 1995), một người sinh ra tại Hà Đông, Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Báo Cứu quốc tìm ra. Ông lấy hình chữ nhật có hai cạnh là 8cm và 10cm cắt ra thành 7 miếng ghép. Trò chơi sau đó nhanh chóng lan nhanh, được nhiều người yêu thích. Hòa bình lập lại, trò chơi càng được phổ biến hơn, thường được gọi tên là Trò chơi Trí Uẩn và được dùng làm quà tặng khi phái đoàn Đảng, Chính phủ ta sang thăm Châu Âu. Trò chơi Trí Uẩn có nhiều nét độc đáo và được dân gian gọi bằng cái tên thông dụng là bảy miếng nghìn hình. Chẳng hạn, ta có thể ghép 7 miếng thành đủ các chữ số từ 0 đến 9 hay đủ các chữ cái. Ông Trí Uẩn đã tìm ra 28 cách ghép khác nhau để tạo ra hình một trái tim hay 88 cách để ghép thành một quả tạ. Sách của ông Trí Uẩn viết về trò chơi này từng được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Nga…
Đến nay thì nhân loại đã có nhiều trò chơi ghép hình phổ biến, thường được sản xuất bằng gỗ để bán như: tangram, hai hình vuông tangram, Trí Uẩn, hình quả trứng… giúp người chơi tha hồ rèn luyện trí tưởng tượng.
Kết quả kỳ trước: Trò chơi Trí Uẩn. Trao giải 50.000đ/người cho bạn Đặng Kỳ Bảo (lớp 7B, THCS Đông Thái).
Kỳ này: Từ một tam giác cân, cắt thành 2 mảnh và ghép lại thành một hình chữ nhật. Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.