(HNMO) - Ngày 13-1-2020, Tướng Khalifa Haftar đã ra tuyên bố ngừng bắn, kết thúc chiến dịch bao vây thủ đô Tripoli (Libya) kéo dài 9 tháng qua.
Phát ngôn viên của Tướng Khalifa Haftar, ông Ahmed al-Mismari cảnh báo: “Quân đội của Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được Liên hợp quốc công nhận sẽ bị trả đũa nặng nề nếu vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nói trên”.
Cùng ngày, phía GNA cũng ra thông báo cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn đã bị các tay súng tại khu vực Salah al-Din và Wadi al-Rabi vi phạm chỉ vài giờ sau tuyên bố của Tướng Khalifa Haftar. Tuy nhiên, GNA vẫn chấp nhận thỏa thuận này. Thông báo của GNA cũng nêu rõ sự cần thiết phải thành lập một ủy ban quân sự chung để thỏa thuận ngừng bắn được Liên hợp quốc giám sát. Nếu thỏa thuận tiếp tục bị vi phạm bởi phe Khalifa Haftar, GNA sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện, ở quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận, hoạt động ở miền Tây và thủ đô Tripoli. Đến nay, giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo.
Thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra sau lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Phái đoàn Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã hoan nghênh động thái tích cực này từ cả hai phía, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Libya tìm kiếm giải pháp hòa bình toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.