Một quan chức Chính phủ Liban ngày 9-10 cho biết, nước này đã rơi vào tình trạng mất điện hoàn toàn do 2 nhà máy điện lớn nhất phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu.
Theo quan chức trên, tình trạng này có thể diễn ra trong vài ngày tới.
* Trong khi đó, cùng ngày, giới chức thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng điện tại thành phố với 20 triệu dân này do thiếu than - vốn khiến nhiều bang miền Bắc và miền Đông nước này phải cắt điện.
Thủ hiến New Delhi, ông Arvind Kejriwal cho biết, đã hối thúc chính phủ liên bang cung cấp thêm than và khí đốt tới các nhà máy điện cung cấp cho thủ đô trong bối cảnh hồi đầu tuần, nhiều nhà máy chỉ đủ lượng than dự trữ dùng trong 1 ngày.
Phát biểu trên trang Twitter, ông Kejriwal nêu rõ, "Delhi có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện", đồng thời cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Giá nhiên liệu sản xuất điện đang gia tăng trên toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng công nghiệp thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện, khiến nguồn cung cấp than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng quá tải.
Tại Ấn Độ, hơn 1/2 trong số 135 nhà máy nhiệt điện, cung cấp khoảng 70% lượng điện của nước này, có lượng dự trữ chỉ đủ dùng chưa đầy 3 ngày.
Trong bức thư gửi tới Thủ tướng Narendra Modi, ông Kejriwal nêu rõ, tình trạng thiếu than đã kéo dài trong 3 tháng liên tiếp, gây áp lực đối với các nhà máy điện chạy bằng khí đốt - vốn cũng không có đủ nhiên liệu. Tuy nhiên, chính phủ liên bang đã đảm bảo có đủ điện cung cấp cho công chúng.
Nhu cầu điện để sản xuất công nghiệp đã gia tăng tại Ấn Độ sau làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch Covid-19. Hoạt động kinh tế tăng đã khiến lượng tiêu thụ than ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này tăng theo. Khoảng cách giữa giá nội địa thấp hơn và giá than lên mức kỷ lục trên toàn cầu ngày một lớn khiến các công ty không mặn mà với nhập khẩu than. Các công ty ở nước này phải vật lộn nhằm đảm bảo nguồn cung, trong khi nguồn dự trữ rơi xuống mức thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.