Các tổ chức cứu trợ nhân đạo đang hy vọng có thể tiếp tục tiến hành sơ tán thường dân ra khỏi thành phố Homs, Syria, nơi đang bị quân đội chính phủ vây hãm.
Hơn 1.100 người đã sơ tán khỏi Homs sau khi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực |
Hàng trăm người vẫn đang kẹt lại khu phố cổ - tâm điểm của cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Hơn 1.100 người đã sơ tán khỏi thành phố này sau khi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực hôm thứ Sáu, 7/2.
Thành phố Homs, nằm ở phía Tây Syria, đã nằm trong sự vây hãm của quân chính phủ suốt 18 tháng qua.
Trong khi đó, ngày đối thoại thứ hai giữa đại diện chính phủ Syria và phe đối lập tại Geneva, Thụy Sỹ, hôm 11/2 đã không mang lại tiến triển gì đáng kể.
'Sống trong địa ngục'
Các tổ chức cứu trợ nói họ muốn tiếp tục thực hiện công tác sơ tán thường dân khỏi Homs vào thứ Tư, 12/2.
Bất chấp tình trạng bạo lực tiếp diễn và sự nguy hiểm đối với các nhóm cứu trợ tại chỗ, việc tiếp tục công tác sơ tán là "rất quan trọng", điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, ông Yacoub el Hillo, nói với BBC.
Ông cũng nói thêm rằng "sau một ngày sống dưới làn đạn tại Old City, tôi có thể nói đó là một ngày sống ở địa ngục".
"Vậy mà những người sống bên trong Old City đang phải trải qua điều đó mỗi ngày. Giờ đây, chúng ta sẽ hành động, hay lại tiếp tục chờ đợi? Không, chúng ta phải hành động."
Các hoạt động sơ tán hôm 11/2 đã bị hoãn lại một ngày vì điều mà Liên Hiệp Quốc và các quan chức Syria gọi là trục trặc về khâu hậu cần.
"Công tác sơ tán thường dân và cứu trợ lương thực sẽ tiếp tục vào ngày hôm sau," ông Talal Barazi, thị trưởng Homs, nói với hãng thông tấn AFP.
Thỏa thuận ngừng bắn, vốn sẽ hết hiệu lực vào tối 12/2, có thể được gia hạn thêm, nếu cần thiết, ông nói thêm.
Không tiến triển đáng kể
Đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập đã tạm khép lại vào hôm 11/2.
Vòng hòa đàm thứ hai đã diễn ra vào hôm 10/2, với các cuộc đối thoại riêng lẻ giữa đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahmi với đại diện của hai bên.
"Đầu tuần này cũng tốn nhiều công sức như tuần đầu tiên. Chúng tôi vẫn không đạt được tiến triển đáng kể nào," ông nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Phía đối lập muốn chính phủ Syria phải tuyên bố bằng văn bản sẽ tôn trọng Tuyên bố Geneva 2012, vốn kêu gọi thiết lập một chính phủ tạm thời, với toàn quyền hành pháp.
Chính phủ Tổng thống Assad đã bác bỏ khả năng sẽ xảy ra bất kỳ một sự chuyển nhượng quyền lực nào.
Cuộc nội chiến tại Syria đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng kể từ năm 2011 và khiến 9,5 triệu người khác phải ly tán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.