Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 22/8 nhấn mạnh một tòa án quốc tế do Hội đồng Bảo an thành lập theo Hiến chương Liên hợp quốc cho phép sử dụng vũ lực là một trong nhiều lựa chọn để xét xử những tên cướp biển Somalia.
Các bị cáo vốn là cướp biển Somalia. (Nguồn: AFP)
Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh những thỏa thuận về giam giữ các phần tử cướp biển cũng quan trọng không kém việc truy tố và xét xử chúng, vì nhiều tên cướp biển hiện đang bị hải quân các nước tuần tra ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi và Vịnh Aden giam giữ.
Một cơ chế tòa án để xét xử cướp biển và cướp có vũ trang ngoài khơi bờ biển Somalia sẽ phải xử lý tình hình khác với tình hình mà các tòa án hiện hành của Liên hợp quốc hoặc được Liên hợp quốc giúp đỡ đang xử lý.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra cam kết về chính trị và tài chính, không chỉ để thành lập tòa án quốc tế mà còn duy trì hoạt động của tòa án này.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng cho biết tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đang tích cực hỗ trợ các nước trong khu vực Sừng châu Phi tăng cường khả năng truy tố, xét xử và giam giữ các phần tử cướp biển và cướp có vũ trang ngoài khơi bờ biển Somalia.
Tháng Sáu vừa qua, Kenya đã được Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) giúp thành lập một tòa án mới với mức độ bảo vệ an ninh cao ở thành phố cảng Mombasa nhằm tăng cường hiệu quả xét xử cũng như tạo môi trường an ninh hiện đại phù hợp với việc xét xử cướp biển.
Một lựa chọn khác được Liên hợp quốc cân nhắc là thiết lập một tòa án của Somalia trên lãnh thổ nước khác trong khu vực hoặc một tòa án quốc tế theo thỏa thuận của Liên hợp quốc với một nước trong khu vực.
Trong năm 2008, có khoảng 111 tàu đã bị cướp biển tấn công và con số này đã tăng gấp hai lần trong năm tiếp theo. Mặc dù số vụ hải tặc tấn công các tàu qua lại ngoài khơi bờ biển Somalia tăng mạnh nhưng việc các nước cử nhiều tàu hải quân tuần tra đã giảm đáng kể số các vụ cướp thành công.
Tính đến tháng Năm năm nay, cướp biển Somalia vẫn bắt 450 người làm con tin và giữ nhiều tàu hàng để đòi tiền chuộc./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.