Theo dõi Báo Hànộimới trên

Leng keng tàu điện

Hồi ức của Hoàng Xuân| 30/09/2010 10:58

(HNMCT) - Nhà tôi ở đường Nam Bộ, cách tàu điện hàng ngày qua lại không xa. Mặc dầu vậy, phải đến năm lên 5 tuổi (1961), tức là khi đang học mẫu giáo, tôi mới được đi tàu điện lần đầu tiên. Việc tôi có được dịp may này chỉ xảy sau khi bố tôi bị mất cắp một chiếc xe đạp.


Đọc đến đây, chắc hẳn độc giả trẻ tuổi bây giờ không khỏi lắc đầu, chép miệng: Chuyện có gì đâu mà gọi là “dịp may”, còn chuyện “mất cắp một chiếc xe đạp” thì có gì đáng nói! Hay nói một cách khác: Có gì mà ầm ĩ thế! Xin thưa, chuyện gì cũng có “hoàn cảnh lịch sử”, “điều kiện lịch sử” của nó cả. Tôi tin nếu bạn thường xuyên đi đường hẹp, đường nhỏ trong rừng, hẳn sẽ thấy một có đường dù chỉ rộng có 8m thôi, sẽ thấy nó đáng được gọi là thênh thang như trong câu thơ của Tố Hữu trong ta đi tới: Đường ta rộng thênh thang tám thước. Tôi tin, vào cái thời điểm (1961) mà riêng ông Tố Hữu vẫn coi là đỉnh cao muôn trượng (lấy ý từ Chào Xuân sáu mốt của nhà thơ này), trong khi toàn dân ta vẫn phải nhặt tý phân rơi, gom vài cái lá để gom góp dựng cơ đồ, thì cái xe đạp vẫn là một tài sản lớn đối với nhiều gia đình ở đô thị Việt Nam. Tôi dám chắc xe đạp hồi đó còn hiếm và quý hơn một xe hơi, cho dù là con Mercedes có giá bạc tỷ, như bây giờ.

Mà chả phải từ năm 1961, trước đó rất nhiều năm rồi, các cụ nhà ta từng nói: Dốc bồ thương kẻ ăn đong/Vắng chồng thương kẻ nằm không một mình. Bao giờ các bạn rơi vào tình cảnh “dốc bồ” (dốc bồ lên để lấy những hạt thóc cuối cùng), thì may ra mới có thể thương đến những người “ăn đong” (lo ăn từng bữa, chạy ăn từng bữa) được. Tương tự, bao giờ phải như người vợ “vắng chồng”, thì may ra mới thường đến những người “nằm không một mình”.

Cho nên, việc mất xe đạp của bố tôi được coi là sự kiện lớn, sự kiện nghiêm trọng theo nghĩa đen của gia đình tôi năm 1961.

Nhớ hôm ấy, khi đi học về, tôi thấy bố tôi nằm trên giường khóc thút thít (cũng dễ thông cảm thôi, vì bố tôi chỉ hơn tôi có 18 tuổi, thời điểm này bố tôi mới 23 tuổi). Tôi nghe ông nội tôi nói với bố tôi: Đã bảo hễ vào đâu thì phải gửi xe. Cứ để xe bừa bãi như thế thì mất là phải. Bây giờ, dễ gì mà mua được chiếc xe đạp khác.

Sau mấy ngày khai báo tại một đồn công an, tôi thấy có một người bận cảnh phục đế nhà tôi mấy lần đến gặp bố tôi và hỏi han đủ thứ. Nào là xe của anh còn chuông, còn phanh không? Nào là xe của anh sơn màu gì? Nào là xe của anh còn mới hay cũ? Nào là khi mất xe, anh có nghi ngờ cho ai không? Vân vân và vân vân vân.

Bố tôi không phải không có lúc hy vọng có ngày tìm lại được chiếc xe đạp đã mất. Nhưng rồi hy vọng đó tiêu tan. Rất lâu sau đó, không thấy cái người mặc cảnh phục đến hỏi han gì nữa.

Ông nội tôi bảo: Tại không đưa tiền cho người ta. Giá đưa tiền, có khi tìm thấy rồi không biết chừng. Bố tôi phản ứng: Ông buồn cười quá. Ở thời đại mới này, làm gì có chuyện ăn tiền như ngày xưa. Nghe bố tôi phản ứng, ông nội tôi chỉ cười cười.

Tôi nhớ ngày hôm sau, khi bố tôi sáng mượn tạm xe đạp của một người hàng xóm. Ông này từ chối thẳng thừng và kèm theo một câu nói chứngg tỏ ông ta yêu xe đạp của mình đến mức nào: Tôi có thể cho anh mượn vợ nhưng không thể cho mượn xe đạp.

Nhưng may mắn thay, vào thời điểm này, bên cạnh chuyện không tử tế, ít nhất tôi cũng có hai chuyện tử tế mà thời buổi bây giờ khó lòng gặp lại.

Chuyện thứ nhất. Có một lần chúng tôi gồm mấy đứa trẻ đang ở độ tuổi mẫu giáo, vỡ lòng cùng đi bộ đến trường. Trên đường đi tới trường, một đứa trong bọn tôi (tôi nhớ tên nó là Nga) chợt kêu lên thảng thốt: Thế là tớ đánh rơi một đồng mốt tiền để đóng tiền học rồi! Thời ấy, một đồng mốt cũng là một khoản tiền đáng kể nếu so với lương hàng tháng của một kỹ sư hạng nhất là 60 đồng, lương một bí thư huyện ủy là 45 đồng… trong khi giá một cân gạo bông (gạo bán theo sổ, giá bao cấp) là 4 hào/kg, giá một que kem là 5 xu.

Rồi như nhớ ra điều gì, cái Nga lại nói giọng nghẹn ngào trong nước mắt: Hình như vừa nãy, tớ nhìn thấy cái ông mặc áo trắng kia cúi xuống nhặt tiền của tớ đánh rơi thì phải.

Ngay lập tức chúng tôi quay lại. Và cũng gần như ngay lập tức, có một người đàn ông mặc áo xanh công nhân tự nguyện đứng ra giải quyết giúp chúng tôi.


Người đàn ông mặc áo xanh nói với người đàn ông mặc áo trắng: Tôi thấy bọn trẻ nói đã nhìn thấy anh nhặt tiền đánh rơi. Đề nghị anh cho khám ví. Trong khi chuẩn bị làm động tác khám ví, người đàn ông mặc áo xanh hỏi:


- Trong ví của anh có bao nhiêu tiền?

Người đàn ông mặc áo trắng đáp:

- Hình như là 7 đồng 2.

Sau khi khám ví xong, người đàn ông mặc áo xanh nói:

- Anh nói vậy là không đúng. Trong ví của anh có 8 đồng và 5 xu kia.

- Làm sao mà tôi nhớ đến chính xác từng xu trong ví của mình!

- Nhưng bọn trẻ nói đã…

- Tôi khẳng định là tôi không nhặt được gì cả. Nhưng nếu bọn trẻ nói vậy thì tôi cũng vui lòng cho chúng một đồng mốt để đóng tiền học.

Chuyện thứ hai. Có một lần, tôi tự mình ra một hiệu sách nhỏ nhỏ gần ga Hàng Cỏ để mua sách. Thấy một cuốn sách có bìa màu xanh mang hình một con chim đang đậu trên cành cây hót tương đối hấp dẫn (sau khi mua rồi, tôi mới biết đây là một cuốn sách tập hợp vài chục bài thơ viết cho thiếu nhi). Tôi hỏi bà bán sách: Bà ơi, cuốn sách này giá báo nhiêu tiền ạ? Bà bán sách nói: Giá một hào mốt. Tôi vội vã chạy về nhà và khẩn khoản xin tiền của mấy người cộng với khoản tiền dành dụm trước đó. Tất cả vừa đủ một hào mốt. Một lúc sau, tôi quay lại hiệu sách trong tâm trạng khấp khởi. Bà bán sách bảo: Lúc nãy bà quên. Giờ bà mới biết giá của nó những một hào rưỡi cơ.

Nghe bà bán sách nói, tôi buồn muốn khóc và thất vọng bỏ đi. Rồi tôi nghe bà bán sách giật giọng gọi tôi. Tôi quay lại không chút ngập ngừng. Bà bán sách vuốt tóc tôi và nói: Cho dù giá nó thế nhưng bà vẫn bán cho cháu một hào mốt. Chúc cháu chăm đọc sách và tìm được điều hay lẽ phải từ sách! Nghe bà bán sách nói vậy, tôi cảm động mãi.

Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành và khi đã ngoài 50 tuổi, tôi chưa khi nào gặp lại một người bán sách gây nhiều ấn tượng cho tôi như bà bán sách ở ga Hàng Cỏ thuở thiếu thời.

Sở dĩ tôi cứ phải viết dông dài như thế trước khi kể về lần đầu tiên “được dịp may” đi tàu điện vào năm học mẫu giáo, vì những chuyện tôi kể, dầu sao cũng ít nhiều liên quan đến một vài kỷ niệm đáng nhớ quanh quanh tuyến đường tàu điện Cửa Nam - Ngã Tư Vọng có chạy qua cửa ngõ và trường học của chúng tôi.

Tôi nhớ lần ấy, bố tôi nói: Vì bố mất xe đạp, không có điều kiện đưa con đi học như mọi hôm, nên hôm nay, bố cho con 4 xu đi tàu điện cả đi lẫn về. 4 xu này bằng số tiền mua hai suất ăn sáng đấy nhé. Nhớ mua vé, lên tàu tàu đúng bến, xuống tàu khi tàu đỗ hoàn toàn và không được nhảy tàu. Nhưng con cũng chỉ đến trường bằng tàu điện hôm nay thôi. Từ mai, chịu khó đi bộ đến trường. Con thông cảm vì bố không có nhiều tiền, chưa kể còn gặp khó khăn do vừa bị mất cắp xe đạp.

Tôi cầm 4 xu trong tay như cầm một cái gì quý giá lắm. Tôi lẩm bẩm: Hai xu đi, hai xu về, một vé đi, một vé về, lên tàu đúng bến, xuống tàu khi tàu đỗ hoàn toàn, không được nhảy tàu… Tôi đi bộ vội vàng ra ga Hàng Cỏ, lấy vé lên tàu điện. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên tiếng xoèn xoẹt phát ra từ đường ray, ánh sáng lập lòe phát ra từ điểm tiếp xúc giữa pu-li với nguồn điện và tiếng chuông leng keng phát ra từ đầu tàu… nghe thật lạ tai, vừa thích thích, vừa sờ sợ. Tôi nhớ mình đã được ngồi gần rất nhiều người bình dân, ngồi gần cả những bà buôn thúng bán mẹt. Họ nhìn tôi với ánh mặt đầy thiện cảm. Có một người còn đứng lên, nhường tôi chỗ ngồi nữa.

Những chuyến đi tàu điện đầu tiên trong đời tôi quá ngắn. Đơn giản từ nhà tôi đến trường tôi chỉ cách nhau chưa đầy nửa cây số. Như thế cũng có nghĩa rằng: Niềm hạnh phúc bé thơ của tôi trên tàu điện chỉ được tính bằng giây bằng phút.

                                                                      *

Như chia sẻ với tôi và cũng là để chiều theo ý thích (dù rất đơn giản) của đứa cháu đích tôn, quãng nửa tháng sau, ông nội tôi “tuyên bố": "Sẽ có một ngày, ông cháu ta sẽ được đi tàu điện thỏa thích".

Nói vậy nhưng cũng phải hai năm sau (khoảng thảng 4 năm 1964), có một buổi tối trước khi chúng tôi đi ngủ, ông nội tôi nói: Còn 14 ngày nữa, ông sẽ lĩnh lương kỳ hai. Ông sẽ cho các cháu đi vòng quanh Hà Nội, đi chơi Hà Nội bằng tàu điện.

Hồi ấy, đi chơi không “phức tạp” cho lắm. Tức là chỉ đi chơi chay, không có việc ăn, uống hoặc mua sắm cái này, cái nọ kèm theo và có phần tốn kém như bây giờ.

Tôi hiểu: Để làm việc này là một cố gắng rất lớn của ông tôi. Bởi khi ấy, ông nội tôi chỉ là một nhân viên bảo vệ, lương mỗi tháng chỉ trằn trặn 36 đồng. Và để chúng tôi (gồm 4 đứa cháu, kể cả ông là 5) đi quanh một vòng Hà Nội, ít nhất ông tôi phải tốn từ một đồng đến một đồng rưỡi.

Chúng tôi đợi đúng hai tuần lễ và trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, đứa này thường hỏi đứa kia: Còn bao nhiêu ngày nữa thì chúng mình được đi vòng quanh Hà Nội bằng tàu điện nhỉ? Chúng tôi thấy thời gian trôi đi mới chậm chạp làm sao!


Rồi chúng tôi cũng được đi tàu điện. Rồi phố phường cũng hiện ra đầy bí ẩn và mới lạ dưới con mắt chúng tôi.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ loáng thoáng những cái tên: Cửa Nam, Thống Nhất, Bờ Hồ, Tháp Rùa, Bách hóa Tổng hợp, hiệu ảnh Quốc tế, Hàng Cót, chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng… Tôi nhớ chúng tôi đã lên lên xuống xuống, đổi tàu, lên tàu, cập bến không biết bao nhiêu lần. Tôi nhớ cả những tấm vé đi tàu điện mỏng mảnh, sơ sài và chỉ lớn hơn ngón tay người lớn một chút.

Đây là một cuộc hành trình dài nhất, lâu nhất ở tuổi ấu thơ của tôi. Đây cũng là những kỷ niệm ấn tượng nhất, sinh động nhất của tuổi ấu thơ tôi và nói theo cách nói của một nhà thơ thì “chúng có lâu đến bao nhiêu cũng không già”.

Tôi nhớ lúc trên tàu điện, ông nội tôi bảo: Hà Nội được thiên hạ nhớ bởi Bờ Hồ, tháp Rùa, Bách hóa Tổng hợp, Hiệu ảnh Quốc tế, Công viên Thống Nhất… Hôm nay, các cháu đã biết cả Hà Nội rồi đó.

Tôi nhớ lúc về nhà, bố tôi nói ngay: Hôm nay, ông chiều các cháu quá. Ông cho các con đi như thế là tốn kém lắm đấy. Còn ông nội tôi lại nói: Còn sót Cầu Giấy nữa. Để lần khác, ông lại cho các cháu đi…

Nhưng chúng tôi không đến Cầu Giấy bằng tàu điện được nữa theo lời hẹn của ông nội tôi, vì sau đấy vài năm “sự kiện vịnh Bắc Bộ” xảy ra và sau ngày 5/8/1964, không quân Mỹ ném bom miền Bắc, cuộc “Chiến tranh phá hoại” diễn ra… chúng tôi phải theo ông bà đi sơ tán tại xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Tây), cách Hà Nội non 30 cây số.

                                                                            *

Chúng tôi rời Hà Nội đi sơ tán đến 4 - 5 năm, từ tháng 6 năm 1964 đến hết tháng 12 năm 1969. Trong khoảng thời gian đó, năm thì mười họa, tôi mới có dịp quay lại Hà Nội chơi. Và mỗi lần về Hà Nội, tôi thường cùng một thằng bạn học cùng một lớp (cũng là nguời Hà Nội) mỗi khi đi đâu đi đó thì thường đi bằng tàu điện.

Những năm tháng ấy, chúng tôi vẫn nghèo lắm, thường mỗi lần đi chơi, chỉ đủ tiền mua vé đi tàu điện và xem phim là cùng.

Đến khi lớn lên và ngày một già đi, tôi vẫn không hiểu sao hồi ấy, các rạp chiếu bóng ở Hà Nội lại mang những cái tên vừa to tát, vừa đời mới đến như vậy: Tháng Tám, Dân Chủ, Kinh Đô, Hòa Bình, Dân Chủ... Hồi ấy, vé xem chiếu bóng có giá từ 2 hào đến 5 hào. Và các bộ phim được trình chiếu ở các rạp chiếu bóng thường là các phim có nội dung “đánh nhau” là chính. Thường trong các bộ phim “đánh nhau”, nếu ta chết một thì địch phải chết mười và kết thúc mỗi bộ phim là quân ta thường đại thắng.

Thời ấy, đám trẻ con chúng tôi đến là hồn nhiên. Nhiều lúc trên mà ảnh hiện ra hình ảnh các chiến sĩ Hồng quân (Liên Xô) và hình ảnh các chiến sĩ Bát lộ quân (Trung Quốc) xông lên tiêu diệt giặc, giành toàn thắng là chúng tôi đứng cả lên hò reo, tựa như chúng tôi là những người đang trực tiếp cùng tham gia các trận đánh ấy không bằng.

Tôi nhớ có lần khi về Hà Nội chơi, sực nhớ ở trường học nơi sơ tán rất thiếu giấy viết, tôi nảy ra một sáng kiến. Tôi nói với một thằng bạn (cũng là một người họ hàng với tôi):

- Mày có tiền đi tàu điện không?

Thằng bạn tôi nói:

- Có. Mẹ tao vừa cho tao mấy hào.

- Vậy, mày chịu khó bỏ tiền ra mua vé tàu điện.

- Còn mày thì chịu khó… mua gì?

- Tao không mua gì, nhưng tao sẽ cùng mày đến nhà ông trẻ tao để xin một ít giấy. Tao sẽ xin giấy cho tao và cả mày nữa.

- Thế thì hơi tuyệt đấy! Nhưng sao mày biết nhà ông trẻ mày có giấy?

- Có chứ. Vì ông ấy làm nghề xén giấy mà. Hồi đầu năm học, ông trẻ tao đã cho tao…

- Nhà ông trẻ mày ở đâu?

- 53 Kim Liên, sát Công viên Thống Nhất.

- Vậy thì đi. Nhưng tao có sáng kiến này còn hay hơn.

- Sáng kiến… gì?

- Lên tàu giữa chừng và xuống tàu giữa chừng.

- Làm như thế để làm gì?

- Để đỡ tốn tiền mua vé.

- Tao tưởng mày có tiền cơ mà?

- Có. Nhưng tiền ấy để dùng vào việc khác. Mày xin giấy cho tao, tao sẽ mời mày uống nước chè, ăn kẹo bột hoặc kẹo lạc chẳng hạn.

- Nhưng tao chưa bao giờ nhảy tàu.

- Mày cũng là dân ga Hàng Cỏ như tao, vậy mà không biết nhảy tàu điện, thì cũng hơi lạ đấy. Hay mày nói dối tao?

- Không nói dối đâu. Tao chưa bao giờ nhảy tàu và không biết nhảy tàu thật mà!

- Thì cứ nhảy bừa đi. Nhảy mãi rồi cũng quen thôi.

Lần ấy, chúng tôi xin được hai quyển vở hẳn hoi, nhưng tôi thì bị bong gân tay và phải giấu không cho bố mẹ tôi biết. Dù sao thì vẫn còn may - Tôi nghĩ thế. May như những bà mẹ có con ra chiến trường khi chiến tranh đang ác liệt mà vẫn mang được xác về. Sự may mắn này đã được phản ánh qua một bài thơ thật sâu sắc của một nhà thơ nước ngoài mà tôi từng được đọc ở đâu đó: May quá, trong trận đánh này, con tôi không bị thương!/ May quá, trong trận đánh này, con tôi bị thương nhưng không chết!/ May quá, trong trận đánh này, con tôi bị chết nhưng mang được xác về!

Tôi nhớ lần ấy, khi đến gần nhà ông trẻ tôi, vì để trốn vé, thằng bạn tôi đã nhảy tàu. Vì nó biết cách nhảy tàu và có kinh nghiệm nhảy tàu nên không bị sao. Còn tôi vì nhảy bừa theo nó nên bị ngã xuống đường, đầu đặt lên một bên đường ray. Thật hú vía! May mà đi toa cuối nên khi bị ngã, đầu tôi không bị bánh tàu điện cán vào. Còn nếu đi toa đầu hoặc toa giữa… biết đâu bây giờ không còn sống ở cõi đời này mà viết những dòng kỷ niệm chân thật và máu thịt về tàu điện một thời của Hà Nội, của chúng tôi.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Leng keng tàu điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.