Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Lên đồng": Từ mỹ cảm đến cảm thụ nghệ thuật

An Nhi| 09/07/2015 06:45

(HNM) - Chương trình



Hát văn, hay còn gọi chầu văn, là loại hình âm nhạc diễn xướng đậm chất tâm linh của người Việt và là thành tố không thể thiếu trong nghi lễ của văn hóa thờ Mẫu. Tuy nhiên, bởi sự phổ biến của tín ngưỡng dân gian này, trong đời sống đã có không ít hiện tượng biến tướng, lợi dụng chầu văn để tìm kiếm danh lợi khiến giá trị của loại hình âm nhạc này không được hiểu đúng. Trăn trở, muốn chứng minh sức hấp dẫn tự thân cũng như giá trị nghệ thuật đặc sắc của chầu văn trong đời sống tinh thần của người Việt, Heritage Space tạo dựng cuộc gặp gỡ giữa hội họa và sân khấu này. Tham gia chuỗi chương trình có nhiều nghệ sĩ, cả lớn tuổi và còn trẻ nhưng đều có kiến thức chuyên môn, sự trải nghiệm và tình cảm đối với môn nghệ thuật này.

NSƯT Văn Ty, chủ nhiệm chương trình biểu diễn là người tâm huyết với nghệ thuật hát văn. Ông là một trong những người đầu tiên đưa chầu văn lên sân khấu chuyên nghiệp và nằm trong số ít nghệ sĩ vừa biết đàn, hát, gõ lại am hiểu đầy đủ niêm luật, nghi thức gắn liền với chầu văn. NSƯT Văn Ty sinh ra ở Hành Thiện, Nam Định, một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu. Những đêm theo mẹ đi lễ, đi hầu đồng, sự say mê với nghệ thuật chầu văn được nhen nhóm, ông tìm đến nghệ nhân và xin được học hỏi, càng ngày càng bộc lộ năng khiếu. Sau này, tu nghiệp 10 năm ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), ông chỉ chuyên tâm và kiên trì theo đuổi chầu văn, từ tập đàn, hát đến sưu tầm các làn điệu, nghi lễ ở khắp các địa phương. NSƯT Văn Ty luôn mong muốn giới thiệu giá trị chân - thiện - mỹ của nghệ thuật chầu văn và các nghi thức hầu đồng đặc sắc mà cha ông để lại với đông đảo công chúng, bởi lẽ, như ông nói: "Trước kia, chỉ có các nhà quan và thương gia mới tổ chức giá đồng, được xem hầu đồng, nên nghi lễ này nhuốm màu kỳ bí". Chính NSƯT Văn Ty là người đưa hình thức chầu văn lên sân khấu thông qua các vở diễn chèo, kịch hát và cả kịch xiếc… Những đĩa ghi âm chầu văn của NSƯT Văn Ty luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những người yêu nghệ thuật này. Khác với đêm nhạc hát văn thuần túy mang tính chất giới thiệu vào ngày 11-6 vừa qua, chương trình tới đây, NSƯT Văn Ty cùng các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam lại đào sâu vào các thánh tích và nghi lễ của giá hầu để công chúng hiểu rõ hơn ý nghĩa các bài hầu đồng và cách thức thưởng thức nghệ thuật hát văn chuẩn mực. Lịch sử Hoàng Bảy, cô Đôi, chúa Nguyệt Hồ, cô bé Đông Cuông… sẽ được tái hiện bằng các điệu hát văn trong màn hầu đồng được dàn dựng chuẩn mực và tinh tế. Xen kẽ những câu chuyện thánh tích sẽ là những bài xẩm có giai điệu gần với lối hát văn Nam Định, làm nổi bật nét tương đồng của các hình thức dân ca cổ nhạc Việt Nam.

Đặc biệt, chương trình được biểu diễn trong không gian trưng bày bộ tranh "Lên đồng" của họa sĩ Vũ Thanh Nghị đến từ Hải Phòng. Anh từng tốt nghiệp thủ khoa hội họa của ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 1998. Triển lãm đầu tiên ra mắt công chúng là "Lên đồng" (năm 2008), đến nay đây vẫn là đề tài mà anh theo đuổi, đào sâu. Khác với bộ tranh trước, cảnh "lên đồng" chủ yếu được vẽ bằng thủ pháp lập thể với những hình khối giản đơn và màu theo gam chủ định, 25 bức tranh mới được công bố lần này của anh sử dụng màu sắc rực rỡ và đối lập, đường nét hòa quyện, uyển chuyển, thể hiện sự trải nghiệm của nghệ sĩ. Những nhân vật như Chúa Thác Bờ, ông Hoàng Mười, cô Bơ, cô Chín… trở nên sống động.

Từ mỹ cảm cuốn trong những gam màu hội họa đến cảm thụ làn điệu tinh túy và những nghi lễ hầu đồng chuẩn mực, đó là ý đồ nhằm chinh phục khán giả, thúc đẩy sự quan tâm tới nghệ thuật chầu văn một cách toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lên đồng": Từ mỹ cảm đến cảm thụ nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.