(HNM) - Nếu có thể được đằm mình vào bữa tiệc cộng đồng, mãn nhãn với trò chơi dân gian đặc sắc và những điệu múa tinh tế trong tiếng kèn, chuông, trống, thanh la của Tết Nhảy người Dao, bạn sẽ cảm nhận được mùa xuân gần gặn đến thế nào.
Qua điện thoại, giọng ông Lý Văn Thọ xem ra rất “khí thế”.
- Lên uống rượu đi. Tết Nhảy bắt đầu rồi. Năm nay có mấy đám, cả Tết Nhảy và lễ tạ mả đấy.
- Bây giờ mới đầu tháng mười một âm thôi mà, sao đã Tết?
- Ơ quên à? Tết Nhảy bắt đầu từ giữa tháng 11 âm đến 25 tháng Chạp mà, nhưng năm nay sớm hơn. Nhớ ngủ cho đã đi, để rồi còn thức cả đêm xem nhảy nhá!
Thì lên! Con đường 88 từ thị xã Sơn Tây lên tới ngã ba Chẹ, giáp sông Đà chỉ hơn chục cây số, vòng vo dưới chân núi Ba Vì, phong cảnh hữu tình, dễ lạc lối vào những điểm du lịch mới chỉ nghe những cái tên Tiên Sa, Suối Ngà, Ao Vua… thôi đã đủ để quyến rũ con người ta rồi. Qua K9 - Khu di tích Bác Hồ, rừng thông trên những quả đồi vi vút gió đón bạn vào bản người Dao của xã Ba Vì và những bản Mường của Khánh Thượng, Minh Quang.
Hít thật sâu để cảm nhận thật rõ những ngọn gió phóng túng, tung tẩy từ đỉnh Vua đón những luồng phong khí mạnh mẽ từ sông Đà thổi ngược lên tạo thành bản nhạc riêng, khi thanh tao nhẹ nhàng, lúc ào ạt, thúc tháo khiến không thể không liên tưởng đến truyền thuyết về cuộc đánh ghen nghìn đời giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh giành công chúa Mỵ Nương - con gái của vua Hùng. Trong mênh mang sơn cước, tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng hát và vũ điệu quay cuồng trong lễ Tết nhảy của người Dao làm lay động cả vùng núi Tản, sông Đà. Chén rượu với thầy mo Lý Văn Thọ và cánh trai bản bỗng sóng sánh như mật ong rừng, đến độ khiến người ta mềm lòng, người ta thăng hoa…
Để rồi, không biết bao nhiêu là chuyện có thể kể về người Dao, bản Dao dưới chân núi Tản này. Những vòng tròn trai gái, họ vừa nhảy, vừa hát. Lời hát khi chất chứa nỗi buồn về một thời du canh du cư khổ cực, lang thang trên các triền núi, lá trên mái lều chưa héo đã lại rời đi: “Người Dao ta không có đất/ Lam lũ chạy theo núi rừng/ Ðói nghèo bám chặt vào lưng”…, khi là những tâm sự, yêu đương, bày tỏ niềm lạc quan trong cuộc sống lao động: “Khi đi săn, đi núi. Anh hãy cõng hồn em/ Khi nóng bức, mệt mỏi. Anh hãy uống hồn em/ Thì sẽ làm cho mát dịu. Mọi nhọc nhằn sẽ tiêu tan…” khiến lòng người say đắm.
Chợt nhớ, cuộc “cách mạng” hạ sơn những năm 65 - 70 của thế kỷ XX đã đưa người Dao định cư định canh ổn định và bền vững dưới chân núi Ba Vì; đặc biệt từ khi Nhà nước thành lập Khu bảo tồn Vườn quốc gia Ba Vì (năm 1991) cho đến nay, người Dao được giao đất trồng trọt, phát triển chăn nuôi, khai thác chế biến thuốc nam; đời sống kinh tế từng bước cải thiện. Cuộc sống mới về với hơn 400 hộ người Dao ở các bản Yên Sơn, Hợp Nhất, Hợp Sơn của xã Ba Vì này. Những hủ tục lạc hậu từng bước đẩy lùi, bản sắc văn hóa của người Dao được gìn giữ, phát huy. Tết Nhảy và đám tạ trước đây vô cùng tốn kém, từng là nỗi lo của nhiều hộ người Dao nghèo khó, nay đã đơn giản hơn nhiều.
Người đàn ông dân tộc Dao họ Lý - Lý Văn Thọ, mà tôi biết từ những năm 90 đến nay đã hơn hai chục năm. Khi ấy ông là cán bộ HTX, sau đó là Chủ tịch UBND xã, rồi 15 năm liên tục làm Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Ba Vì. Cho đến trước khi hưu (tháng 10-2015), ông giữ chức Chủ tịch HĐND xã. Ông cũng chính là người đã “rủ rê” tôi đến với bản Dao, để hiểu phần nào về Tết Nhảy và văn hóa truyền thống của người Dao quần chẹt ở Ba Vì. Tôi đã chứng kiến, những buổi chiều ở miền sơn cước, sân bóng chuyền, bóng đá ở trung tâm xã và các nhà văn hóa của bản Dao nhộn nhịp người; tiếng cười, tiếng reo hò làm quên đi những nhọc nhằn sau một ngày lao động. Đã từng có mặt trong những đêm liên hoan văn nghệ ở các xã miền núi, mãn nhãn với màn múa chuông, múa rùa, múa kiếm đặc sắc, tinh tế và đằm mình trong điệu dân ca páo dung ngọt ngào, sâu lắng. Điệu páo dung được người Dao coi là kho báu văn hóa tinh thần, bởi nó không chỉ dành cho hát giao duyên, hát ru, mà còn hát trong nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.
Thầy cúng Lý Văn Thọ lý giải rằng, Tết Nhảy của người Dao không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới đầy sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Qua những bài khấn, những lời ca, điệu múa, người Dao thêm một lần ôn lại lịch sử gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc mình để truyền lại cho con cháu. Nói như vậy không phải năm nào người Dao cũng làm Tết Nhảy, tùy từng lời hứa của mỗi họ (họ Dương, họ Triệu, họ Lý, họ Bàn, họ Phùng…) mà thời gian làm Tết Nhảy khác nhau trong năm hoặc trong nhiều năm, 10 hoặc 15 năm mới tổ chức một lần.
Nhà có đám sẽ làm cỗ mời cả làng cùng anh em họ hàng, bạn bè gần xa đến ăn uống. Trong nhà ngoài sân tràn ngập không khí rộn ràng bởi lúc nào cũng có người đến mừng và giúp gia chủ: Đàn bà con gái lo nấu nướng làm cỗ, đàn ông chuẩn bị các vật dụng như đao, kiếm cho các màn vũ điệu. Trong 3 ngày tết, người người hòa mình vào những bài hát, điệu múa cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu xin sức khỏe, sự bình yên. Những vòng tròn nhảy múa không khi nào ngắt quãng và chén rượu không bao giờ vơi trong những ngày Tết Nhảy... Trước đây, để làm được một cái tết, gia chủ phải thịt một con trâu hoặc bò, ba con lợn và vài chục con gà chưa kể xôi, rượu đủ để khách khứa no say suốt tuần. Có gia đình làm xong tết là khánh kiệt, phải vay mượn trả trong nhiều năm mới hết nợ. Nay, Tết Nhảy đơn giản và tiết kiệm hơn nhiều. Gia đình nào đủ điều kiện mới làm tết và chỉ diễn ra trong hai ngày hai đêm. Phần nghi lễ tuy vẫn bắt buộc nhưng phần hội mở rộng hơn, đúng với nghĩa là “bữa tiệc của cộng đồng”. Ngoài lễ Tết Nhảy, trai gái trong bản còn rủ nhau đi hát đối đáp, giao duyên bên những con suối nhỏ dưới chân núi Tản, khiến cho không gian văn hóa như được trải rộng hơn, cuốn hút hơn…
Cùng với sự phát triển của Thủ đô, đời sống của người Dao Ba Vì ngày càng được cải thiện. Mặc dù vậy, như tâm sự của ông Thọ, của ông Dương Trung Liên - Chủ tịch xã, thì người Dao hiện còn nhiều khó khăn. Về kinh tế, còn nhiều hộ nghèo; về văn hóa, tác động của kinh tế thị trường, của đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ tới bản sắc dân tộc. Nhưng chính quyền và người Dao ở Ba Vì đã và đang có nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn. Những điệu múa cờ, múa dao, múa bắt ba ba... truyền thống trong Tết Nhảy đã được cải biên để có thể biểu diễn trong mùa lễ hội và tham dự các liên hoan văn nghệ quần chúng của địa phương, của thành phố. Trang phục truyền thống được khuyến khích sử dụng trong dịp lễ hội, trong đám cưới, đám tang của người Dao.
L“úc chia tay, thầy mo Lý Văn Thọ vui vẻ nói: Về hưu rồi nên cũng rảnh, chiều nào chả có mặt ở sân bóng chuyền. Lúc nào thích lên đây uống rượu, xem Tết Nhảy thì sẵn lòng. Nhé!”,
Lời mời ấy lại thôi thúc tôi lên bản Dao Ba Vì. Để được hòa mình trong bữa tiệc cộng đồng, được xoay tròn trong những vũ điệu mê hoặc, huyền bí, được sống bằng cảm giác thăng hoa mà đón xuân mới đang tràn về khắp nẻo…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.