Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lệch chuẩn trong giáo dục văn học !

Cù Xuân Trường| 23/04/2012 05:47

(HNM) - Câu chuyện xoay quanh đề thi tuyển sinh của Trường Đại học FPT (về


Ngày nay, đề thi tự luận về vấn đề xã hội theo hướng mở với kỳ vọng tìm kiếm những tư duy độc lập có tính sáng tạo của thí sinh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào những kiến thức sách vở, không còn là chuyện lạ. Thế nhưng, đề thi vẫn gây bất ngờ không chỉ với hàng nghìn thí sinh tham gia mà còn tạo nên một "làn sóng" dư luận mang theo quan điểm của nhiều bậc thức giả.

Về nguyên lý, văn chương với tính nghệ thuật cao chuyển tải những thông điệp được mã hóa bằng hình tượng, ngôn từ... để hướng con người đến đích chân, thiện, mỹ. Đó là bản chất của nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Bản chất đó không hề thay đổi dù thời thế thay đổi. Thế nhưng, khi viện dẫn những câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều - một kiệt tác của văn học nước nhà, yêu cầu thí sinh đang tuổi chập chững học làm người luận về một vấn đề "nóng" của xã hội, dường như người ra đề và cả những người duyệt đề thi này đã bỏ qua cái đẹp, sự tinh tế của văn chương. Không hướng thí sinh tới cái đẹp lấp lánh sau những áng thơ giàu suy cảm của Đại thi hào, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, người ta để lớp trẻ "ngụp lặn" trong cái mà lứa tuổi này chưa đủ nhận thức để bàn luận một cách rành rẽ.

Theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng, "Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo lại thực tại xã hội. Nó là khoa học (...). Nghệ thuật là một sự hiểu biết, văn học là một sự hiểu biết, khoa học là một sự hiểu biết, hiểu biết cao sâu lắm". Tri thức mà văn chương nghệ thuật chuyển tải không thông qua những định lý, công thức... mà qua những hình tượng nghệ thuật, đến với con người từ những rung cảm thẩm mỹ. Văn chương là sản phẩm của ý thức, là sản phẩm của tài năng người nghệ sĩ. Qua tác phẩm của mình, tác giả truyền đạt quan điểm, tư tưởng, ý nghĩ và cả khát vọng của mình trước cuộc sống. Văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung giáo dục con người qua những rung động của tình cảm, giúp người đọc nhận thức đúng đắn, đưa họ đến với những suy nghĩ đúng, hành động đúng với những giá trị chân, thiện, mỹ của nhân loại.

Còn theo Charles DuBos, "Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng". Cái đẹp trong văn chương, nghệ thuật là biểu hiện cao nhất, tập trung nhất trong quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Văn chương là một hình thái ý thức đặc thù mang tính thẩm mỹ. Hay nói cách khác, tính thẩm mỹ gắn liền với bản chất của văn chương. "Con người là cái đẹp nhất trong thế giới mà chúng ta cảm giác được" (Tchernychevski). Trong đời sống tinh thần của con người, văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung đảm đương trách nhiệm truyền thụ cái đẹp. Và con người trong văn chương là con người của lý tưởng.

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học. Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Du đã dồn hết tâm huyết của mình vào hình tượng Thúy Kiều - người con gái bất hạnh, dù bị hoàn cảnh xô đẩy, dập vùi nhưng vẫn ngời sáng một tâm hồn trong trẻo luôn hướng về mái ấm gia đình, về hạnh phúc lứa đôi và một ý thức rõ ràng về trách nhiệm làm người... Dường như trong tác phẩm bất hủ này, Nguyễn Du tạo tác nhân vật nàng Kiều trên nền bi kịch cuộc đời của chính ông. Nàng Kiều ý thức rất rõ về nhân phẩm nhưng lại bị xã hội hủ bại chà đạp về nhân phẩm và đó chính là bi kịch lớn nhất. Mỗi câu chữ trong Truyện Kiều đều thấm đẫm tình cảm của tác giả với số phận người phụ nữ trong một xã hội hủ bại, xã hội mà đồng tiền là quyền lực. Nguyễn Du đau với nỗi đau của nàng Kiều nhưng cũng gửi vào đó những khát khao mãnh liệt vượt qua sự trói buộc của thời cuộc. Qua tác phẩm của mình, ông đã chạm đến những vấn đề nhân văn, nhân bản nhất. Tình yêu, tình dục, khát vọng hạnh phúc cũng được ông đề cập như một vấn đề rất nhân bản của con người. Và những câu thơ của ông đều toát lên vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu đôi lứa, của người phụ nữ...

"Chân" là sự chân thật và chân lý. "Thiện" hướng về lòng tốt, tính nhân văn. Còn "mỹ" là cái đẹp, là vẻ đẹp được kết tinh. "Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy" và tác phẩm này là sự tinh luyện ở mức cao của nguyên lý chân - thiện - mỹ của văn chương. Khi viện dẫn Truyện Kiều để yêu cầu thí sinh luận vấn đề mà 300 năm trước Đại thi hào Nguyễn Du đã đề cập, những người ra đề và duyệt đề thi của Trường Đại học FPT đã bỏ qua nguyên lý ấy. Người ta đã không đặt những câu thơ được trích trong đề thi vào văn cảnh cụ thể để nhận thức nó từ góc độ thẩm mỹ và hướng thí sinh vào những ý tưởng nhân văn của tác phẩm. Họ đã đánh đồng và cho phép thí sinh đánh đồng nhận thức văn chương với các hoạt động nhận thức khác. Như vậy, phải chăng họ đã hạ thấp giá trị nhận thức của văn chương, nghệ thuật?

Nhận thức là thuộc tính của con người. Tuy nhiên, nhận thức về hiện thực còn phụ thuộc vào "điểm nhìn", tư duy, trình độ... Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận những giá trị đích thực - cái đẹp là kết tinh của chân - thiện - mỹ. Những quan niệm kiểu như "giá trị cũ", "giá trị mới" không thể đánh tráo hai chữ trinh tiết có nội hàm rộng lớn là phẩm chất, đạo đức mang tính thuần phong với một... bộ phận trên cơ thể con người. Vấn đề xã hội bức xúc hay không bức xúc đều cần được nhìn nhận bằng tư duy nhân văn. Cái đẹp trong cuộc sống đứng trên nền "chân", "thiện", nhưng cái "chân" của cuộc sống cần được nhìn nhận bằng cái "thiện" và hướng tới cái đẹp - "mỹ".

Một đề thi theo hướng mở để tránh việc thí sinh "luận" như sách - luận không phải bằng kiến thức của mình - rất cần được khuyến khích. Tuy nhiên, theo những nhà giáo dục có kinh nghiệm, đề thi mở hay đóng, về nguyên tắc phải đạt các yêu cầu về tri thức, tính giáo dục và yếu tố thẩm mỹ... Xét theo 3 yếu tố này, đề thi của Trường Đại học FPT có "rất nhiều vấn đề". Thêm nữa, đưa ra một vấn đề nhạy cảm mà xã hội chưa giải quyết được vào đề thi cho đối tượng là lứa tuổi mới lớn có thật sự cần thiết hay không, có đúng với mực thước sư phạm hay không? Dù có thật sự hào hứng, liệu có bao nhiêu em hiểu đầy đủ về cái mà mình phải luận? Với yêu cầu "Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng những ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống", không biết các em sẽ đi đến đâu? Nếu thí sinh bộc lộ quan điểm, nhận thức sai lệch sẽ phải uốn nắn thế nào? Người làm công tác giáo dục không thể rũ bỏ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng khi cho rằng điều quan trọng là đánh giá tư duy của thí sinh!

Đến với Truyện Kiều - một tác phẩm kiệt xuất được chưng cất từ những tình cảm cao đẹp, tinh tế, sâu sắc qua lớp điển tích và ngôn ngữ phong phú, sinh động, giàu sức biểu cảm của Nguyễn Du, người làm công tác giáo dục không thể bỏ qua cơ hội hướng những chuyên gia thông tin trong tương lai tới những giá trị thẩm mỹ đặc thù của một tác phẩm văn học nghệ thuật, để họ nâng mình lên trong cái đẹp được toát ra từ tư tưởng nhân văn của Đại thi hào. Đáng buồn, bằng cách hiểu trinh tiết chỉ là một bộ phận của cơ thể con người, họ đã dẫn thí sinh vào một vấn đề tâm sinh lý vốn nhạy cảm với tuổi học trò đi theo những khái niệm thô lệch khác về văn chương. Vấn đề ở đây không còn là nhận thức mà là quan điểm về giá trị xã hội. Trong cuộc sống có nhiều vấn đề bức xúc, giá trị văn hóa Việt đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ những lệch lạc tinh thần, từ những yếu tố ngoại lai đang từng giờ từng phút xâm nhập vào giới trẻ thì giá trị chân - thiện - mỹ cần được xã hội gìn giữ và hướng tới với chuẩn mực mới, vừa kế thừa vừa hiện đại. Nhưng như vậy không có nghĩa là cứ thô kệch hóa những quan niệm, những giá trị xã hội.

Không thể đưa ra những "giá trị mới" để bao biện cho sự lệch chuẩn trong nhận thức, trong tư duy. Càng không thể gieo vào tâm hồn lớp trẻ những quan niệm lệch lạc khi họ chưa đủ nhận thức rõ ràng, đúng đắn về văn hóa và những yếu tố phản văn hóa. Những lệch chuẩn đó là nguồn gốc của những "sự cố" như "cởi truồng" trên sân khấu ngày nào. Vậy nên, nỗi lo của nhiều nhà văn hóa, nhà sư phạm về sự lệch chuẩn trong giáo dục, về quan điểm thẩm mỹ, về văn hóa của một số người làm công tác giáo dục hiện nay (mà đề thi tuyển tại Trường Đại học FPT là điển hình), cũng là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lệch chuẩn trong giáo dục văn học !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.