(HNM) - Vụ đánh bom kinh hoàng tại thủ đô Beirut làm hơn 100 người thiệt mạng và bị thương ngày 19-10, đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng Lebanon và trên trường quốc tế.
Vụ đánh bom xe kinh hoàng đã gây ra "cú sốc" mạnh trong khu vực và quốc tế. Năm ngày qua, âm hưởng nặng nề và hệ lụy từ cuộc tấn công khủng bố đã khiến không khí vốn căng thẳng tại Trung Đông thêm bức bối. Ngay sau vụ tấn công, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã cực lực lên án vụ khủng bố. Trong một tuyên bố, HĐBA LHQ đã gọi đây là "hành động cực kỳ tàn bạo" và hối thúc người dân Lebanon đoàn kết để đối phó hiệu quả với những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch hòng gây bất ổn tại quốc gia này. Ngày 20-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã lên án mạnh mẽ hành động khủng bố này. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng hối thúc Lebanon bảo vệ đất nước trước "mọi âm mưu gây bất ổn". Trong khi đó, Tòa thánh Vatican kịch liệt lên án vụ tấn công khiến Giám đốc tình báo của Lực lượng An ninh nội địa Lebanon (ISF) Wissam Al-Hassan tử thương...
Quân đội
Vụ việc xảy ra đúng thời điểm căng thẳng giữa các phe phái ở Lebanon ủng hộ và chống đối chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đang gia tăng. Tuy Lebanon chưa xác định được vụ đánh bom có nhằm vào nhân vật chính trị nào trong cộng đồng đang bị chia rẽ hay không, nhưng cái chết của tướng W.Al-Hassan đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn quyền lực tại nước này. Bởi tướng W.Al-Assad vốn có quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, hiện là thủ lĩnh phe đối lập và có thái độ thù địch với chế độ hiện hành ở nước láng giềng Syria. Vụ khủng bố làm người ta nhớ tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Al-Hariri hồi năm 2005. Từ đó đến năm 2008, Lebanon đã liên tiếp bị rung động bởi một loạt vụ ám sát nhằm vào các nhân vật quan trọng; trong đó phần lớn là những người phản đối chính quyền Syria. Vụ tấn công gần đây nhất (năm 2008) cũng nhằm vào một quan chức tình báo Lebanon. Vì thế, ngay sau cái chết của tướng W.Al-Hassan - người dự kiến sẽ tiếp quản chức vụ đứng đầu ISF vào cuối năm nay, nhiều lãnh đạo phe đối lập tại Lebanon đã công khai cáo buộc chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát này; đồng thời kêu gọi chính phủ đương nhiệm từ chức. Trong khi đó, những người Hồi giáo theo dòng Sunni đã đổ ra các đường phố trên toàn Lebanon đốt lốp xe để phản đối vụ tấn công. Ngày 21-10, nhiều tiếng súng hạng nặng đã vang lên tại trung tâm thủ đô Beirut sau khi những người biểu tình tìm cách tấn công trụ sở các văn phòng của Thủ tướng Najib Mikati...
Để đối phó với tình hình hiện tại, chính quyền Beirut đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp. Các lực lượng an ninh, cảnh sát, quân đội được đặt trong tình trạng báo động cao. Thế nhưng, những nỗ lực của chính quyền Beirut vẫn không làm lực lượng đối lập do Saad Hariri, con trai cựu Thủ tướng Rafik Hariri, đứng đầu thỏa mãn. Dư luận khu vực lo ngại, lực lượng đối lập có thể lợi dụng cái chết của Tướng W.Al-Hassan để kích động dân chúng, kêu gọi người Hồi giáo dòng Sunni nổi dậy hoặc dùng bạo lực chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shia Hezbollah và các nhân vật ủng hộ nhóm này trong chính phủ...
Hiện tại, Lebanon đang cận kề nguy cơ bất ổn lớn. Vụ tấn công mang màu sắc chính trị đã và đang đẩy quốc gia Trung Đông đến trước vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Najib Mikati sẽ phải vượt qua không ít khó khăn mới có thể làm dịu các cuộc biểu tình bạo lực đang có nguy cơ đẩy Lebanon vào một cuộc chiến sắc tộc lan rộng. Điều này vừa được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh khi yêu cầu thủ phạm vụ đánh bom khủng bố phải được nhanh chóng đưa ra trước công lý và khẳng định tầm quan trọng của những người đứng đầu đất nước Lebanon trong việc tiếp tục các chính sách nhằm bảo vệ người dân trước những bất ổn. Người đứng đầu LHQ cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về chủ quyền lãnh thổ cũng như sự ổn định của Lebanon. Nhưng, những gì đang diễn ra lại dự báo khá rõ về bất ổn mà quốc gia Trung Đông này đang vướng phải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.