Tại Lebanon, ngày 6/3, khoảng 8.000 người đã biểu tình tại thủ đô Beirut để phản đối hệ thống chính trị mang tính giáo phái ở nước này và kêu gọi lật đổ chính phủ.
Những người biểu tình tại thủ đô Beirut. (Nguồn: Demotix Images) |
Hiến pháp Lebanon đảm bảo đặc biệt cho sự phân chia quyền lực giữa các nhóm sắc tộc tôn giáo khác nhau, theo đó Tổng thống là người thuộc phái Marônít (thuộc Cơ đốc giáo), Thủ tướng thuộc dòng Hồi giáo Sunni và chức Chủ tịch Quốc hội thuộc về dòng Hồi giáo Shiite.
Tuy nhiên, những người phản đối nói rằng hệ thống chia sẻ quyền lực này đã gây cản trở cho sự phát triển đất nước, gây ra tình trạng tham nhũng, trong khi lại bao che cho các thủ lĩnh giáo phái.
Hiện nay, Lebanon đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị vì chưa thành lập được chính phủ kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Saad al-Hariri bị phong trào Hồi giáo Hezbollah cùng các đồng minh chính trị của phong trào này làm sụp đổ hồi tháng Một.
Đất nước này đã phải trải qua một cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và kết thúc vào năm 1990 với 150.000 người thiệt mạng.
Cùng ngày, tại Bahrain, hàng nghìn người biểu tình phản đối chính phủ trước Cung điện Al-Qudaibiya ở thủ đô Manama, nơi Nội các Bahrain nhóm họp.
Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để giám sát những người biểu tình.
Đây là ngày thứ 21 kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình tại Bahrain và hiện chưa có dấu hiệu cho thấy người biểu tình có ý định chấm dứt những hành động phản đối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.