Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020 sẽ được tổ chức trọng thể vào tối Chủ nhật 24-10 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, lễ trao giải năm nay được tổ chức theo tinh thần tinh gọn, giảm bớt số lượng đại biểu, khách mời tại hội trường. Vì lý do giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, Ban tổ chức quyết định các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải hiện công tác và sinh sống ngoài địa bàn Hà Nội, không về Hà Nội tham dự trực tiếp Lễ trao giải tối 24-10. Ban tổ chức sẽ gửi cúp, giấy chứng nhận, kỷ niệm chương, tiền giải về Hội Nhà báo địa phương và đề nghị lãnh đạo địa phương tổ chức Lễ trao giải vào thời gian và cách thức phù hợp với thực tế địa phương (sau ngày 24-10).
Giải Báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là Giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Năm 2020, Ban tổ chức đã nhận được 1.823 tác phẩm của 114 cấp hội và hơn 190 tác giả là cộng tác viên tham dự.
Các tác phẩm tham dự đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020 như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; công tác thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các ngày kỷ niệm lớn như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, kỷ niệm 75 năm thành lập nước.
Các tác phẩm dự giải có đề tài phong phú, phản ánh trung thực, kịp thời, toàn diện các sự kiện thời sự, vấn đề thời sự của đất nước, của địa phương năm 2020, ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; các vấn đề nóng bỏng như đại dịch Covid-19, lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung được đề cập sâu sắc, kịp thời, toàn diện, có tác động, ảnh hưởng lớn tới xã hội.
Nhiều tác phẩm đã tham gia tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là sai phạm trong công tác quản lý đất đai; sai phạm trong công tác cán bộ, bất cập trong giáo dục; nạn xã hội đen, các loại tội phạm mới, nạn xâm hại trẻ em, vấn đề phòng, chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tư nhân, kinh tế xanh, sản xuất nông nghiệp sạch; xây dựng đô thị thông minh, Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống. Nhiều tác phẩm tiếp tục khai thác những đề tài truyền thống như lịch sử cách mạng, các nét đẹp văn hóa, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong cuộc sống…
Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu sắc, có hiệu quả xã hội tích cực, có sức ảnh hưởng lớn.
Hội đồng giải đánh giá, các tác phẩm dự giải có chất lượng khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.
Nhiều tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương trong các nhóm thể loại: Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in, báo điện tử) và tin, phóng sự, ký sự; phim tài liệu (báo hình) được Hội đồng đánh giá cao.
Quá trình chấm chung khảo được thực hiện theo đúng Điều lệ giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng giải. Trong số 150 tác phẩm vào vòng chung khảo, Hội đồng chọn lọc được 1 Giải đặc biệt, 9 Giải A, 25 Giải B, 45 Giải C, 32 Giải Khuyến khích.
Tác phẩm “Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình” của Báo Nhân Dân được trao giải Đặc biệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.