Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội Đền Hùng: Tạo điểm nhấn, rõ đặc trưng

Trần Văn| 05/04/2011 07:38

(HNM) - Ngày 30-3-2011, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng năm 2011, với quy mô địa phương, theo đúng tinh thần Chỉ thị 45-CT/TƯ về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm. Hànộimới xin ghi lại ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

Du khách trẩy hội Đền Hùng. Ảnh: Phương An


Tiến sĩ Lưu Minh Trị (Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long): Quan trọng nhất là giáo dục truyền thống
Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa lớn nhất là giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cần được tổ chức trang trọng, đúng tầm quốc gia. Năm nay, Quốc Giỗ tổ chức với quy mô địa phương, nhưng vẫn phải bảo đảm trọng thể, trang nghiêm. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền những câu chuyện lịch sử, văn hóa về các vua Hùng, những phong tục đẹp của đất cố đô Phong Châu còn giữ được đến ngày nay. Việc tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm.

Ông Nguyễn Trần An (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm): Nên cân bằng cả phần "lễ" và "hội"
Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các vua Hùng và tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc. Theo kế hoạch tổ chức lễ hội Đền Hùng năm 2011 của UBND tỉnh Phú Thọ, phần lễ được tổ chức vào 3 ngày và phần hội diễn ra trong 5 ngày với nhiều hoạt động, có sự tham gia của đông đảo người dân địa phương. Năm nay là năm lẻ, Giỗ Tổ Hùng Vương do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia tổ chức của 5 tỉnh, thành phố khác. Theo tôi, cần phải cân bằng nội dung phần "lễ" và phần "hội", tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí trong ngày Quốc lễ phải bảo đảm tính trang nghiêm, trọng thể, an toàn và tiết kiệm...

Bà Phạm Thúy Loan (phường Hàng Bột, quận Đống Đa): Đầu tư cho những nội dung đặc sắc của Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng hằng năm đều có biểu diễn hát Xoan, thi gói bánh chưng, giã bánh dày, bắn nỏ... Những trò chơi đó cũng là điểm tạo dấu ấn khác biệt với nhiều lễ hội khác, là giá trị truyền thống cần được mở rộng quy mô để thu hút nhiều người dân tham gia gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, du khách thập phương sẽ hiểu hơn về đời sống, phong tuc, tập quán của người dân bản xứ, khiến cho ngày Quốc Giỗ trở nên gần gũi hơn với mọi người. Lễ hội phải rõ điểm nhấn, nét đặc trưng của lễ hội Đền Hùng.

Ông Trần Công Quyết (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín): Mong lễ hội Đền Hùng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Tôi được biết trong kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ còn tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương", từng bước hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận lễ hội Đền Hùng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Đây là một việc làm có ý nghĩa đặc biệt, được đông đảo người dân quan tâm. Từ ngàn đời nay, Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vua Hùng, là biểu tượng khối đại đoàn kết toàn dân, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc. Với những giá trị nổi bật, lễ hội Đền Hùng xứng đáng là tài sản văn hóa chung của cả nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Đền Hùng: Tạo điểm nhấn, rõ đặc trưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.