(HNMCT) - Các tín đồ đạo Sikh có những lễ hội độc đáo mà những nơi khác ở Ấn Độ không có. Du khách không nên bỏ qua cơ hội để một lần được hòa mình trong những dịp lễ này. Lễ hội đầu tiên không thể không nhắc tới là ngày Năm mới của người Sikh, hay còn gọi là ngày Văn hóa người Punjab.
Đây là dịp để người Sikh nói chung và người dân vùng Punjab nói riêng ăn mừng văn hóa truyền thống của họ. Trong ngày này, họ tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc, múa, kịch nói và thậm chí là cả những bữa tiệc nhằm giới thiệu văn hóa với lớp trẻ và bạn bè gần xa. Ngày Năm mới của người Sikh được tổ chức vào 14-3 hằng năm.
Người Sikh vốn có truyền thống chống quân xâm lược, và từ lịch sử này đã nảy sinh Lễ hội Hola Mohalla. Lễ hội diễn ra trong ba ngày, bắt đầu từ ngày mùng hai của tháng âm lịch Chett - thường rơi vào tháng 3 dương lịch. Trong Lễ hội Hola Mohalla, người Sikh tập trận giả và thi đấu kiếm, cưỡi ngựa, Gatka - môn võ cổ truyền của người Sikh. Sau những buổi thi đấu, các nghệ nhân sẽ tổ chức biểu diễn kirtan. Kirtan là một loại hình nghệ thuật kết hợp giữa sử thi và hát đối đáp, các nghệ nhân cùng dẫn dắt người nghe qua những câu chuyện huyền thoại và lịch sử của đạo Sikh.
Một lễ hội có yếu tố quân sự khác là Vaisakhi. Trong đạo Sikh có một nhóm tín đồ gọi là Khalsa - gồm những thầy tu khi có chiến tranh thì trở thành binh lính. Những tín đồ Sikh khác rất tôn trọng các Khalsa. Và Vaisakhi là minh chứng cho việc đó. Vào ngày 13, 14 tháng 4 mỗi năm, các tín đồ đem đồ cúng đến đền thờ gần nơi mình sống. Họ đến đền để chiêm ngưỡng và cúng bái chiếc thuyền nhỏ trên có đặt bộ kinh Guru Granth Sahib và được đem thả trên sông. Ở nhiều nơi, sau khi làm lễ ở đền xong, mọi người tham gia rước lễ qua các đường phố.
Đạo Sikh có nhiều dịp lễ để tưởng nhớ ngày sinh, ngày mất của 10 vị guru đầu tiên dẫn dắt tôn giáo, nhưng không lễ nào lớn hơn lễ Guru Nanak Gurpurab. Đây là ngày mà người Sikh ăn mừng sinh nhật Guru Nanak, vị guru đầu tiên và là người sáng lập ra đạo Sikh. Lễ hội thường kéo dài ba ngày; trước ngày sinh nhật, người Sikh sẽ đọc kinh không nghỉ trong 48 giờ liền. Hai hôm trước ngày rằm, họ sẽ tổ chức diễu hành, rước kinh Guru Granth Sahib với đoàn nhạc khí đi theo. Điểm nhấn của ngày lễ là bữa tiệc pháo hoa vào tối ngày sinh vị guru.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.