(HNMO) - Ngày 5-3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố, các nhà khoa học cơ quan trung ương vào dự thảo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội thảo có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU Chử Xuân Dũng và các thành viên Ban Chỉ đạo; các đại biểu nguyên lãnh đạo thành phố, các nhà khoa học cơ quan trung ương có liên quan; đại diện lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU cho biết, chương trình công tác “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 07-CTr/TU) là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đây là chương trình tập trung cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.
Đến nay, Chương trình số 07-CTr/TU đã hoàn thiện dự thảo lần thứ ba. Đây chính là bản dự thảo được đưa ra xin ý kiến hôm nay. Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các đại biểu trên tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo để xây dựng Chương trình sát với tình hình thực tế và có tính khả thi để trình, xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
Tiếp theo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đã trình bày đề dẫn, nêu rõ những vấn đề, nội dung chủ yếu xin ý kiến các đại biểu như: Đánh giá khái quát kết quả phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020; các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá về chất lượng nội dung, hình thức cũng như đưa ra nhiều đề xuất có giá trị giúp hoàn thiện dự thảo Chương trình số 07-CTr/TU.
Là người đầu tiên phát biểu góp ý, đồng chí Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hoan nghênh lần đầu tiên Hà Nội có một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội có thuận lợi là nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ như: Là nơi tập trung hơn 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia nằm trên địa bàn Hà Nội; số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học của cả nước... Hà Nội cần phát huy để khai thác được hết nguồn tiềm lực to lớn này.
PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cũng đánh giá dự thảo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cơ bản đáp ứng yêu cầu; bố cục, văn phong... được biên tập kỹ lưỡng; đề cập có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu phát triển. Góp ý cụ thể, đồng chí Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, dự thảo nên bổ sung phần bối cảnh (xu hướng dịch chuyển nguồn lực trên thế giới gắn liền với khoa học, công nghệ), phần thể chế, môi trường hợp tác quốc tế, công nghệ lõi, thu hút nguồn lực chất lượng cao… để chương trình có tính khả thi cao hơn và nên lắng nghe thêm ý kiến các doanh nghiệp...
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương hoan nghênh Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến. Đồng chí đánh giá cao bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo. Đồng chí đề nghị dự thảo cần có tầm nhìn xa hơn. Hà Nội phải xây dựng và phát triển khoa học lý luận, đặc biệt, cần quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên và nên có dự án, chương trình đi sâu vào lĩnh vực này. Hà Nội cũng cần có đột phá về thể chế, quan tâm hơn nữa đến các viện, trường đại học trên địa bàn thành phố, xem các nơi này là một phần của Hà Nội để tận dụng nguồn lực phát triển Thủ đô.
PGS. TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận xét, Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là bước đột phá, mang tính sáng tạo, có tính chất khởi nguồn cho cả nước trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đưa các yếu tố này thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Chương trình sẽ giúp xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước. Đồng chí nhấn mạnh, hai lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quan hệ mật thiết, đồng đều nên dự thảo cần tăng thêm phần nội dung đổi mới sáng tạo để chương trình được hoàn thiện hơn; đồng thời, bổ sung ngành khoa học lý luận chính trị vào dự thảo.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tiếp cận nhanh Nghị quyết Đại hội XIII. Bản dự thảo đã đánh giá nguyên nhân và những hạn chế rất sát, rất nghiêm túc. Vấn đề thể chế được nhận thức rất sâu sắc. Các mục tiêu mà dự thảo đặt ra cũng rất tham vọng, Hà Nội nên cân nhắc để bảo đảm tính khả thi cao và quan tâm hơn đến vấn đề quản lý đô thị.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Hà Nội có 3 đặc trưng lớn: Tiềm lực khoa học, công nghệ mạnh nhất cả nước; cường độ đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cao nhất cả nước; kết quả đầu ra của nghiên cứu khoa học cũng cao nhất cả nước. Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực cho giai đoạn phát triển mới.
Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị các điểm đột phá quan trọng trong dự thảo cần được gia công thêm cho giai đoạn phát triển mới khác với giai đoạn cũ. Cơ chế, chính sách đi kèm phải thay đổi, đặc biệt là cơ chế vượt trội, có như vậy mới huy động hiệu quả được các nguồn lực có sẵn ngay trên địa bàn Thủ đô để tập trung cho chương trình này. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đồng hành, phối hợp cùng Thành ủy Hà Nội để tiếp tục hoàn thiện, đưa Chương trình số 07-CTr/TU vào cuộc sống, đạt kết quả như mục tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Nhiều đại biểu khác, trong đó có Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn; Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Trung Hải... góp ý, phần nhiệm vụ giải pháp trong dự thảo nên có xác định rõ hơn trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực, giải quyết những nút thắt cơ bản của thành phố; Hà Nội cần mạnh dạn đặt hàng các nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đóng góp cho Thủ đô; tận dụng thế mạnh của các trường đại học trên địa bàn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển Thủ đô...
Phát biểu tiếp thu và kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trân trọng cảm ơn các đại biểu đã quan tâm, đóng góp ý kiến có giá trị cho dự thảo. Các ý kiến không chỉ đề cập những vấn đề chung mà còn phân tích, kiến giải rất sâu sắc, xác đáng từng vấn đề cụ thể, thể hiện sâu sắc trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm đối với tương lai phát triển của Thủ đô. Đồng chí khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ; trên cơ sở đó, dự thảo sẽ được hoàn chỉnh thêm một bước với chất lượng cao hơn để chương trình được ban hành phù hợp, sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.