Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy xây để chống

Vũ Thủy| 09/10/2011 06:49

(HNM) - Theo thống kê của các cơ quan tư pháp, thời gian gần đây, tỷ lệ thanh, thiếu niên (TTN) phạm pháp chiếm 50% trong tổng số các vụ việc vi phạm pháp luật. Và, tội phạm cũng ngày càng có xu hướng ''trẻ hóa'', gây lo ngại cho toàn xã hội.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 2 triệu TTN (chiếm hơn 30% dân số); trong số đó có hơn 500 nghìn TN, SV đang học tập tại 64 trường ĐH, CĐ, học viện. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 3 năm qua, Thành đoàn, Hội SV TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho TN, SV Thủ đô.

Sinh viên tình nguyện Thủ đô phát tờ gấp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên trên địa bàn thành phố. Ảnh: Nhật Nam


Phó Chủ tịch Thường trực Hội SV TP Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, Đoàn Thanh niên, Hội SV các trường ĐH, CĐ đã chủ động phối hợp với ban quản lý KTX, CA địa bàn để lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động khác... Thông qua hoạt động của hàng trăm câu lạc bộ (CLB) Luật gia trẻ, Tuổi trẻ với pháp luật, Phòng chống ma túy, mô hình "ba giảm"… các hoạt động truyền thông như diễn đàn, hội thi hiểu biết pháp luật, dàn dựng tiểu phẩm tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, sáng tạo từ địa điểm tổ chức, đến hình thức, nội dung, đã thu hút đông đảo TN, SV trực tiếp tham gia và được nhân dân ủng hộ.

Tiêu biểu như CLB Tuyên truyền pháp luật của SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân thời gian qua đã có nhiều hoạt động thiết thực. Ban Chủ nhiệm và thành viên CLB đã lồng ghép tuyên truyền về pháp luật với các sự kiện của Đoàn, Hội và nhận được sự quan tâm đông đảo của TN, SV. Thành viên CLB còn là những tuyên truyền viên về phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng sâu, vùng xa vào dịp hè. Một CLB nữa hoạt động khá hiệu quả về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đó là CLB Kỹ năng của SV Trường ĐH Luật Hà Nội. Ngoài vận động nhiều thành viên tham gia sinh hoạt CLB, xung kích tuyên truyền về TTATGT, Ban Chủ nhiệm CLB còn có nhiều sáng kiến đề xuất với Đoàn Thanh niên, Hội SV TP Hà Nội và TƯ về phương pháp tuyên truyền trực quan qua hình ảnh; vận động những thanh niên từng ở trại giáo dưỡng làm tuyên truyền viên; ghi băng phát thanh về các vụ án điển hình trên xe buýt… Đây là  những sáng kiến được Thành đoàn và Hội SV TP đánh giá cao.

Với phương châm "lấy xây để chống", Hội Sinh viên TP đã tổ chức cho SV đăng ký cam kết không vi phạm pháp luật; phối hợp với ban quản lý ký túc xá, cụm an ninh nơi trường đóng trụ sở rà soát đối tượng nghiện và nghi nghiện, khi phát hiện thì vận động kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện, giúp đỡ chữa trị, giáo dục. Bên cạnh đó, vào các dịp hè, Hội SV các trường tổ chức đưa các đội SV tình nguyện tham gia  hoạt động "Ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng tổ chức hoạt động) tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội, nhằm giúp cho họ nhìn nhận và sự hiểu biết về những tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm, qua đó giúp SV cách phòng tránh tệ nạn xã hội.

Nhận thức rõ tồn tại lớn nhất trong hoạt động giáo dục pháp luật cho TN, SV hiện nay là còn nặng về lý thuyết, nội dung đơn điệu, chủ yếu cung cấp điều luật chung chung nên người nghe dễ nhàm chán, nhất là đối tượng SV... nên từ đầu năm 2011 đến nay, Thành đoàn và Hội SV TP đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Giao thông đường bộ và quy định về xử phạt đối với trường hợp vi phạm TTATGT cho thanh niên, SV các trường ĐH... Thông qua đó, nhóm đối tượng trên đã nắm rõ hơn về Luật Giao thông đường bộ và có cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông...

Trong Tháng ATGT năm 2011, Thành đoàn Hà Nội còn phối hợp với CATP, Sở GD&ĐT tổ chức thí điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; phòng, chống bạo lực học đường tại một số trường học trên địa bàn. Các báo cáo viên của CATP Hà Nội đã trực tiếp trình bày kết hợp với phát tờ gấp có nội dung giới thiệu những quy định cụ thể về xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ, người đi bộ vi phạm quy tắc đường bộ, các nội dung của Bộ luật Hình sự về người chưa thành niên vi phạm pháp luật…

Trong thời gian tới, Thành đoàn và Hội SV TP tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục pháp luật theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, gắn với yêu cầu thực tiễn, có những vụ việc điển hình làm ví dụ. Thay vì các lớp tuyên truyền khô cứng trên giảng đường, sẽ có thêm hình thức tuyên truyền trực quan qua hình ảnh; tăng thêm các hội thi tiểu phẩm theo chủ đề như phòng, chống ma túy, TNXH, giữ gìn TTATGT, bạo lực học đường... để bản thân người trong cuộc nói và đưa ra hành động đúng, trúng với tâm lý lứa tuổi và thực tiễn môi trường học đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy xây để chống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.