(HNM) -
Những vấn đề của cuộc sống đương đại
Khác với nhiều tác phẩm đương đại mà người xem phải rất tinh tế mới có thể hiểu được ý đồ tác giả, "Lưỡng cực" thể hiện rõ suy nghĩ, tâm tư của Khải Đoàn về các vấn đề xã hội, về cảm xúc con người thông qua nghệ thuật sơn mài truyền thống.
Tác phẩm "Thế giới - chia tách và sáp nhập" gồm 3 bức sơn mài kích thước lớn (150x75cm), thể hiện sự chia tách, sáp nhập của thế giới. Trên nền sơn đen và vàng, Khải Đoàn tạo nên một bản đồ thế giới với những chấm phân giải của máy tính (là những miếng xà cừ vuông) với đường gắn vô tận của các quốc gia. Bức thứ hai trong bộ này cho thấy thế giới và các lục địa chia thành hàng nghìn mảnh. Ở bức cuối, tác giả đã tạo nên quả địa cầu từ những mảnh vỡ ghép lại.
Trong bộ tác phẩm "Gần gũi và xa lạ", họa sĩ lại lấy chính những bức ảnh trong album gia đình mình làm mẫu và chuyển thành tranh sơn mài. Vẫn là những dáng hình quen thuộc của người thân, thế mà chỉ bằng một vài mảnh xà cừ che đi một số đường nét, những người thân trở nên xa lạ. "Điều này khiến tôi thấy mình đôi khi cũng là một người khác và muốn khám phá những điều mới mẻ về con người vì lý do đó" - Khải Đoàn chia sẻ.
Ở bộ tranh "Đảo vụn", Khải Đoàn lại đưa ra cái nhìn về giá trị văn hóa, lịch sử. Một lần thăm bảo tàng tại Hà Nội đã cho anh ý tưởng thực hiện bộ tranh này. Với những mảnh vải từ những bộ quần áo xưa cũ, tác giả hình dung ra những hòn đảo dần tách xa rồi xích lại gần nhau như chuyển động của Trái đất. Tác phẩm với màu nâu, đỏ, vàng đẹp lộng lẫy này tượng trưng cho niềm hy vọng về sự luân chuyển, tuần hoàn của vạn vật.
Còn nhiều bộ tranh khác trong triển lãm như "Vẻ ngoài", "Vào ra", "Quê hương"… Mỗi tác phẩm có nội dung sâu sắc, được thể hiện tỷ mỷ, công phu,
sáng tạo.
5 năm cho "Lưỡng cực"
Sinh ra tại TP Hồ Chí Minh nhưng Khải Đoàn lớn lên và học hội họa ở Đức. Khi ý tưởng về loạt tác phẩm "Lưỡng cực" hình thành, nghệ sĩ đã thể hiện ý tưởng trên nhiều chất liệu như khắc gỗ, vẽ trên lụa, rồi đến sơn mài. Anh đã dành 5 năm để hoàn thành ý tưởng bằng sơn mài. Xem tranh, dễ nhận thấy tác giả cố tình phô diễn sự đối lập trong các tác phẩm, từ cái tên đến các vấn đề được phản ánh qua tranh… Theo tác giả, chất liệu sơn mài cũng mang những tính chất của hai cực, bởi quá trình tạo nên tác phẩm phải sơn và mài, là sự ẩm và khô, là mới vẽ và tranh nhìn như đã cũ, là càng cũ thì càng đẹp, là sâu và phẳng…
Trong thời gian diễn ra triển lãm (kéo dài tới hết ngày 5-6), nghệ sĩ tiếp tục "lưỡng cực" với bức tranh "Sơn và mài". Hằng ngày, anh có mặt tại triển lãm, miệt mài hoàn thành tác phẩm. Kết quả của một ngày làm việc sẽ được tác giả chụp lại, treo trên tường, ghi rõ ngày tháng để người xem có thể đối chiếu sự thay đổi diệu kỳ trong quá trình sơn và mài. Hàng chục lớp sơn như thế đã được phết lên, rồi mài đi và hình ảnh cuối cùng sẽ là bức tranh có trong ngày kết thúc triển lãm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.