Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy máu sàng lọc sơ sinh: Để trẻ có cơ hội sống khỏe

Vân Nga| 18/09/2010 06:25

(HNM) - Trong khi hầu hết các bệnh viện (BV) thực hiện dự án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS & SLSS) đang tích cực lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để sàng lọc dị tật bẩm sinh cho các cháu thì ở Bệnh viện huyện Quốc Oai, 7 tháng đã đi qua mà vẫn chưa ghi nhận một ca nào được lấy máu SLSS. Có hàng chục lý do được viện dẫn song vấn đề đáng được quan tâm hơn cả đó là "lỗi" ở cán bộ y tế. Nhận thức chưa đúng hay trách nhiệm nghề nghiệp của các cán bộ y tế chưa cao?

Tư vấn cho thai phụ tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây về lợi ích của việc lấy máu gót chân sàng lọc dị tật bẩm sinh cho trẻ. Ảnh: Vân Nga


Việc làm nhỏ, cơ hội lớn
Chị Lê Thị T. (huyện Mỹ Đức) 26 tuổi, sinh con tại Bệnh viện huyện Mỹ Đức, 3 ngày trước khi xuất viện, chị đã được các y, bác sỹ tư vấn và lấy máu gót chân để sàng lọc bệnh bẩm sinh cho cháu. Một tuần sau, cháu bị vàng da, nhiều người cho rằng đó là sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ít ngày sau, chị đã nhận được thông báo kết quả SLSS là nghi ngờ bị thiếu men G6PD. Theo tư vấn của bác sỹ, chị đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi trung ương để được tư vấn, xét nghiệm và có phương pháp phòng ngừa. Từ đầu năm 2010 đến nay, riêng tại huyện Mỹ Đức đã được Bệnh viện Phụ sản trung ương thông báo có tới 43 trường hợp nghi ngờ bệnh thiếu men G6PD, chiếm 26% tổng số ca dương tính toàn Hà Nội.

Lý giải về kết quả này, bà Nguyễn Thị Ngoan, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ Mỹ Đức cho biết, Bệnh viện huyện Mỹ Đức được đánh giá là rất tích cực trong việc lấy máu gót chân sàng lọc dị tật bẩm sinh cho trẻ. Kết quả dương tính cao có thể là do số lượng trẻ được các y, bác sỹ lấy máu gót chân nhiều nên tỷ lệ cao hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên cũng không loại trừ do đặc thù di truyền theo vùng địa phương, hoặc do cán bộ lấy máu sớm (thời gian tốt nhất là sau 36 giờ) cũng làm cho kết quả dương tính giả.

Thù lao chỉ 5.000 đồng
Ngay từ đầu năm 2010, 29 quận, huyện của Hà Nội đã triển khai một dự án được các chuyên gia y tế đánh giá là rất có tính nhân văn, đó là: "Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh". Hiểu một cách dễ nhớ đó là việc chuyên môn của cán bộ y tế như siêu âm, lấy máu, chọc ối... cho thai nhi và cho trẻ mới chào đời để nhận biết được tình hình sức khỏe của trẻ. Qua đó phát hiện những bất thường và có liệu pháp can thiệp kịp thời.

7 tháng qua, nhiều hoạt động đã được triển khai như 527 buổi truyền thông nhóm, 5.407 lượt phát thanh xã, phường; 660 tuyên truyền viên tuyến xã được tập huấn ở 11 lớp; 30 học viên được tập huấn kỹ thuật lấy máu và vận chuyển mẫu máu... Kết quả, số trẻ được SLTS đạt khá cao là 38.420 ca. Tuy nhiên, số trẻ được SLSS thì đạt rất thấp, 3.540 ca. Con số này chủ yếu tập trung ở một số BV lớn, như: Phụ sản Hà Nội, Phụ sản trung ương, BV Đa khoa Thanh Nhàn, BV E. Còn ở 10 BV khu vực ngoại thành mới chỉ đạt 1.215 ca, trong đó một số BV tích cực hơn là BV Đa khoa Vân Đình, BV huyện Mỹ Đức, BV Thường Tín, BV Đa khoa Sơn Tây. Tuy vậy, các BV này lại gặp khó khăn là số mẫu được cấp về hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu khi người dân đã hiểu biết và hưởng ứng. Hết mẫu, các BV và người dân cũng chỉ còn biết chờ đợi. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, hầu hết các BV của Hà Nội đã hết mẫu, hiện đang chờ dự án do Tổng cục DS-KHHGĐ cấp về.

Còn những BV "lười" lấy mẫu máu gót chân để làm SLSS cho trẻ đã viện dẫn nhiều lý do. Trước tiên là do người dân chưa hiểu biết về vấn đề này, họ xót con đau... cho thấy hiệu quả công tác tuyên truyền địa phương này chưa cao. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là do cán bộ y tế - ở đây là cán bộ y tế tại các khoa sản, nhi chưa hiểu biết đúng về việc làm này, mặc dù, theo Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội, các BV triển khai dự án đều tập huấn cho cán bộ của khoa sản, nhi. Từ việc chưa nhận thức đúng cộng với trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao, không ít cán bộ y tế đã đơn thuần nghĩ đến việc trả thù lao cho một lần lấy mẫu máu cho trẻ chỉ được hỗ trợ 5.000 đồng là ít ỏi. Vì vậy họ đã không để tâm mà bỏ qua việc làm đầy ý nghĩa này. Lấy máu gót chân là một việc làm rất nhỏ trong hàng trăm công việc của các cán bộ y tế. Nhưng nếu bỏ qua việc nhỏ đó, không may lại rơi vào những trẻ mắc bệnh, như vậy là các cháu đã bị thiệt thòi, mất đi cơ hội lớn cho một cuộc sống khỏe mạnh sau này. Hơn ai hết, cán bộ y tế là những đối tượng cần được ưu tiên nâng cao nhận thức và trách nhiệm nghề nghiệp trong thực hiện dự án SLTS & SLSS này.

- Tỉ lệ trẻ sinh ra được sàng lọc tại Việt Nam mới chỉ dưới 1%, trong khi các nước khác trên thế giới làm được rất nhiều: Australia 100%, Singapore 99%, Thái Lan 80%.
- Mỗi năm cả nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra, nếu được SLTS & SLSS tốt sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị thalassememia (tan máu bẩm sinh) thể nặng, 1.400 trẻ bị bệnh Down, 140 trẻ bị hội chứng Edwards,
500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 200 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, 10.000 - 20.000 bị thiếu men G6PD, 100 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và nhiều trẻ bị các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấy máu sàng lọc sơ sinh: Để trẻ có cơ hội sống khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.