(HNM) - Những năm qua, không ít địa phương lúng túng, băn khoăn về nhận thức giữa bản chất, vai trò của hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong phát triển kinh tế hộ ở nông thôn...
Đóng gói, xuất bán hoa tại HTX hoa - cây cảnh Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Nguyễn Văn Nên, Giám đốc HTX Dịch vụ sinh thái Ba Vì cho biết: Nhằm khắc phục sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, định hướng theo thị trường..., HTX Dịch vụ sinh thái Ba Vì ra đời trên cơ sở liên kết các nông hộ cùng nhau hợp tác chia sẻ lợi ích. Tuy mới thành lập nhưng trên cơ sở nắm bắt, đáp ứng được các nguyện vọng đã thu hút đông đảo thành viên từ 4 xã trên địa bàn huyện tham gia. Cũng theo ông Nên: Có hai điểm then chốt nên phân biệt, HTX kiểu cũ là xã viên góp vốn vào HTX, lúc đó chỉ có quan hệ giữa HTX và xã viên, không còn tồn tại kinh tế hộ, tức là phủ định kinh tế hộ gia đình. Ở HTX cũ, tất cả các thành viên trong HTX đều cùng hưởng, chia sẻ lợi ích như nhau. Trong khi đó, HTX kiểu mới chỉ là những tổ chức trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình, cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất, do đó không làm mất đi, hay triệt tiêu kinh tế hộ. Trong HTX kiểu mới, tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn thuộc về thành viên, HTX chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra. Về hiệu quả kinh tế, HTX kiểu mới không chỉ đánh giá hiệu quả của các thành viên như thế nào, mà còn đánh giá HTX làm gia tăng cái gì cho các hộ. Đó là những điểm khác biệt cơ bản của HTX kiểu mới và kiểu cũ. Từ vị thế của HTX, làm cho vị thế của thành viên và hộ gia đình, người nông dân có vị thế trong quan hệ liên kết bốn nhà kể cả đầu vào và đầu ra.
Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Bảo (Liên minh HTX Hà Nội) cho rằng: Đặc trưng của HTX kiểu mới là gắn kết lợi ích kinh tế của các thành viên với lợi ích xã hội và phát triển cộng đồng. Trong HTX kiểu mới, kinh tế hộ là tự chủ, có mối quan hệ gắn bó, tác động tương hỗ, cùng nhau phát triển. Trừ một số lĩnh vực có quy định riêng, còn phổ biến tổ chức và hoạt động của HTX kiểu mới không bị giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn... Cùng với xu thế phát triển sản xuất hàng hóa, HTX kiểu mới ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô và trình độ. Thực tế đến nay, Hà Nội có trên 1.700 HTX trong đó có gần 1.000 HTX dịch vụ nông nghiệp, thủy sản. Tuy có những đóng góp cho sự ổn định đầu vào, song các HTX chưa giải quyết được đầu ra sản xuất. Phần lớn các HTX nông nghiệp chưa chuyển đổi hoàn toàn, thành viên mang tính hình thức, hoạt động dịch vụ thiếu tự chủ, không có cơ hội phát triển.
Với mục tiêu HTX tăng trưởng 5%/năm, 100% số HTX kinh doanh có lãi, Liên minh HTX thành phố xác định ba nhiệm vụ cụ thể. Trước hết là khuyến khích và hỗ trợ thành lập mới đúng Luật HTX 2012. Tiếp đó là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua hướng dẫn, chỉ đạo các HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Đối với các HTX yếu kém chưa chuyển đổi, hay không có khả năng tổ chức lại theo luật thì cho giải thể để hình thành các tổ hợp tác hoặc HTX chuyên khâu khác theo nhu cầu người dân.
Khắc phục một số mặt còn hạn chế, ông Phạm Văn An, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ một số giải pháp phát triển HTX kiểu mới. Cụ thể như: Đổi mới nhận thức đầy đủ về HTX, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nâng cao trình độ cán bộ, thúc đẩy liên kết HTX - doanh nghiệp và kinh tế hộ phát triển theo hướng hàng hóa, phát triển các ngành nghề, làm cơ sở cho phát triển HTX kiểu mới. Thành phố sẽ lựa chọn mô hình HTX phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng ngành, vùng, địa bàn, trước mắt tập trung giải quyết các khoản HTX nợ Nhà nước, nợ ngân hàng, nợ doanh nghiệp và nợ dân. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho HTX sau chuyển đổi và HTX mới thành lập được vay vốn và hỗ trợ khác về đất đai, thuế, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận thị trường…
Mặt khác, Hà Nội sẽ đề nghị Trung ương cần sớm hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm giao các bộ, ban, ngành phát triển HTX kiểu mới. Đẩy mạnh liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt với các tổ chức HTX trong khu vực và trên thế giới tranh thủ được các nguồn lực, chuyên môn, kinh nghiệm, công nghệ để hỗ trợ cho các HTX phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.