Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy lại niềm tin người tiêu dùng

Quỳnh Dung| 08/04/2016 06:39

(HNM) - Dù các cấp, các ngành TP Hà Nội đã vào cuộc khá tích cực xử lý nghiêm vi phạm, nhưng nông sản, thực phẩm

- Tình trạng thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong bữa ăn hằng ngày gây mất an toàn đối với sức khỏe của người dân đang ở mức trầm trọng, phải chăng công tác quản lý có vấn đề?

- Có thể nói, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản của Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét và tích cực. Ngành nông nghiệp đã tham mưu, hình thành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ về vật tư nông nghiệp (VTNN) và ATTP nông sản từ thành phố xuống đến cấp xã… Tuy vậy, một số kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chúng tôi xác định công tác quản lý VTNN, ATTP nông sản còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, dù phân công rõ trách nhiệm, nhưng sự vào cuộc của chính quyền cấp huyện chậm và thiếu quyết liệt, chưa chú trọng quan tâm bố trí nhân lực, kinh phí cho nhiệm vụ này. Ở cấp xã, công tác này càng kém được quan tâm, trong khi đó gần 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và ATTP do cấp huyện, cấp xã quản lý. Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục còn mờ nhạt, chế tài xử lý các vi phạm trên chưa đủ sức răn đe...

Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi liên kết để bảo đảm chất lượng nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ.


- Ông có thể nói rõ hơn, những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý là gì?

- Ngoài nguyên nhân chủ quan nêu trên, với một nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thức tổ chức chủ yếu là kinh tế hộ như hiện nay ở khu vực ngoại thành thì việc quản lý ATTP trong lĩnh vực nông sản khó khăn là điều dễ hiểu. Chúng tôi cũng không hy vọng ngày một, ngày hai có thể tốt ngay được. Hiện nay, khó nhất là quản lý chất lượng đầu vào, thời gian qua đã xuất hiện các hiện tượng gian dối trong sản xuất và cung ứng VTNN như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng ngoài danh mục, nhưng chúng ta chưa đủ điều kiện giám sát thường xuyên, chặt chẽ để ngăn chặn.

Mô hình kinh tế hộ chậm đổi mới cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý chất lượng nông sản, bởi phụ thuộc quá nhiều vào sự tự giác và ý thức của người dân trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, Hà Nội đang nhập khoảng 40% lượng nông sản, thực phẩm cho tiêu dùng, vì vậy việc kiểm soát, xác định nguồn gốc xuất xứ rất khó khăn do sản phẩm được thu gom từ nhiều địa phương…

- Để dẫn đến yếu kém trên, theo ông, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

- Lâu nay công tác quản lý kém hiệu quả, theo tôi do chưa có sự phân cấp rõ ràng nên các địa phương cho rằng đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp nên ít quan tâm. Hiện nay, công tác quản lý này đã được thể hiện rất rõ trong quyết định phân công của thành phố nên tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tốt hơn.

Theo tôi, chúng ta cần quan tâm đến: Tổ chức và sắp xếp lại cơ sở kinh doanh VTNN, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định; các huyện, thị xã xây dựng cơ sở giết mổ theo hướng tập trung; mỗi huyện chỉ nên có vài điểm giết mổ tập trung (hiện tại, mỗi huyện có khoảng 180-200 điểm giết mổ; thậm chí như huyện Thường Tín có gần 700 điểm giết mổ). Đồng thời có chính sách khuyến khích và hỗ trợ ban đầu để các HTX nông nghiệp kinh doanh VTNN với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh để thu hẹp dần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như hiện nay.

- Năm 2016 được chọn làm “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm”, vậy ngành nông nghiệp Hà Nội làm gì để lấy lại niềm tin cho người dân?

- Giải pháp hàng đầu là khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt; mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chuyên canh bảo đảm chất lượng; quản lý ATTP theo chuỗi góp phần bảo vệ sức khỏe và củng cố niềm tin của người tiêu dùng; quan tâm tạo dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn; xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt.

Tham mưu cho thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm các thông tư của Bộ NN&PTNT trong quản lý VTNN, ATTP, tạo sự chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực này. Huy động sự vào cuộc của các cơ quan thông tin báo chí trung ương và thành phố tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP. Công khai kết quả thanh tra, giám sát đối với các cơ sở bảo đảm an toàn; đồng thời nêu rõ các cơ sở không bảo đảm an toàn để định hướng cho người tiêu dùng. Triển khai và hưởng ứng phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” do Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát động, ngành nông nghiệp xây dựng bộ tiêu chí và quyết định đánh giá xếp hạng công tác quản lý ATTP nông sản tại quận, huyện, thị xã; phối hợp với các tỉnh, thành phố để cùng giám sát thực phẩm đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội; đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm và kiến thức của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý VTNN và ATTP từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn…

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy lại niềm tin người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.