Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sáng 28-12, tại Hà Nội.
Cùng dự hội nghị có đại diện nhiều bộ, ban, ngành và các Ủy ban của Quốc hội. Về phía thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Giải ngân cao nhất trong lịch sử
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành đã đạt được nhiều dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực.
Về đột phá thể chế, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tháo gỡ đáng kể khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và địa phương, khơi thông, giải phóng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; hoàn thành 4/4 nhiệm vụ tại Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030… Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp hạng A khối các bộ, ngành.
"Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó, rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; khởi công nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất... Đồng thời, hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Năm 2023, Bộ GTVT cũng ghi dấu ấn với việc giải ngân số vốn cao nhất trong lịch sử. Trong năm, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94.000 tỷ đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19.900 tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, kết quả giải ngân của Bộ dự kiến đạt trên 95%...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng "trá hình" còn diễn ra ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương; tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Không lơ là chủ quan
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ GTVT là một trong số các cơ quan hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia sớm nhất. Đây là tiền đề để triển khai các dự án trọng điểm, căn cứ để các địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố. Cơ bản các địa phương cập nhật bảo đảm đồng bộ với quy hoạch của ngành GTVT.
Chúc mừng các thành tích của ngành GTVT đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh khẳng định, điều này có ý nghĩa hơn cho ngành xây dựng trong việc kết nối, mở rộng không gian phát triển cho hệ thống đô thị, nông thôn, giúp hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị Việt Nam bền vững, tạo diện mạo mới cho đất nước, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành GTVT và các địa phương.
"Năm nay, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần: Vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành tựu vẫn còn những vấn đề hạn chế, cần giải quyết nhanh, đồng bộ, Thủ tướng nhấn mạnh, không nên say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan, luôn nỗ lực cố gắng hơn nữa để khắc phục những tồn tại.
Đề cập tới nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ GTVT cần lấy đổi mới sáng tạo khoa học, công nghệ là động lực, nguồn lực dẫn dắt trong xây dựng khảo sát thiết kế, giám sát, tổ chức thi công các công trình trọng điểm. Từ đó, góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực tham nhũng để phát triển nhanh và bền vững các công trình, dự án giao thông.
Cùng với đó là nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của từng vùng miền, lĩnh vực.
Giữ vững kỷ cương, phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát thường xuyên, giảm tất cả thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phải hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp nhà nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh quan điểm này, Thủ tướng chỉ đạo, sau khi di dời người dân để thực hiện các công trình, cần phải quan tâm bảo đảm quyền lợi việc làm, nơi ăn ở cho người dân để làm sao hài hòa nhất.
Ngoài ra, cần chú ý một số dự án như ưu tiên nguồn lực cho dự án trọng điểm Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tập trung kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực lãng phí…
Trong quá trình triển khai các dự án, Thủ tướng đề nghị các đơn vị tư vấn nâng cao năng lực để trưởng thành hơn nữa. Các nhà thầu tôn trọng pháp luật, không lợi dụng trục lợi chính sách, chia nhỏ dự án, đặt lợi ích nhân dân, dân tộc lên trên hết, bảo đảm minh bạch, công khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.