Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Lấy đà" vào Tết

Hồng Sơn| 30/01/2016 08:01

(HNM) - Trước thềm năm mới Bính Thân, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu tiên của năm 2016 đã không thay đổi so với tháng trước. Đây là hiện tượng lạ, bởi thông thường thời điểm cuối năm bao giờ thị trường cũng sôi động hơn hẳn, sức mua tăng rõ rệt khiến thời giá cũng vì thế mà tăng lên đáng kể…

CPI tháng 1 có mức tăng thấp nhất so với nhiều năm gần đây. Ảnh: Bùi Tuấn


Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 không tăng và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng rất thấp so với nhiều năm gần đây. Trên thực tế, đã có 9/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI tăng trong tháng 1. Điều đó thể hiện diễn biến thị trường vẫn khá tích cực, sức cầu được duy trì và có mức tăng dù không mạnh mẽ như mong muốn. Tuy nhiên, sự giảm giá rất mạnh của nhóm hàng giao thông đã xuất hiện dưới tác động trực tiếp của việc giảm giá xăng dầu liên tục trong nhiều tháng. Điều này trở thành điều kiện và yếu tố giúp bù đắp lại xu hướng tăng giá của các nhóm hàng nói trên để cuối cùng tính chung thì CPI đã không tăng.

Xét về tâm lý tiêu dùng của cộng đồng thì đây là hiện tượng đáng mừng, bởi lẽ người tiêu dùng được hưởng mức giá ổn định, không biến động hoặc đáng lo ngại cũng như đồng nghĩa với việc hỗ trợ việc thực hành tiết kiệm cho mỗi hộ gia đình. Đặc biệt, từ thời điểm hiện tại, nhu cầu đi lại giữa các vùng, miền và địa phương đang gia tăng nhanh chóng qua từng ngày cận Tết trong khi giá xăng hạ sẽ là yếu tố tác động trực tiếp làm hạ giá vé các phương tiện vận tải, từ đó góp phần giảm chi phí cho hành khách.

Song, xét về tổng thể thì nếu các mặt hàng, nhất là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến nhu cầu phục vụ dịp Tết như thực phẩm, lương thực, bánh kẹo, quần áo, đồ dùng gia đình… không được tiêu thụ mạnh sẽ là yếu tố không tích cực đối với nền kinh tế. Nguyên nhân là hàng hóa sẽ bị tồn đọng, tức là doanh nghiệp bị "ngâm" vốn, thiếu yếu tố kích thích sản xuất và tiêu dùng đối với toàn xã hội. Được biết, các doanh nghiệp, siêu thị đang trữ và sẵn sàng bung hàng ra bán, với mức dự trữ tăng trung bình khoảng 20% so với dịp Tết năm trước. Song, không khí buôn bán tại một số siêu thị chuyên dụng ngành điện máy dường như vẫn ảm đạm, vì thiếu khách mua sắm. Tương tự, mặt hàng quần áo cũng khá trầm lắng mặc dù được sự ủng hộ của thời tiết trong suốt tuần qua.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhìn chung thị trường sẽ "nóng" lên, với sức mua tăng đáng kể vào tuần cuối, tháng cuối của năm âm lịch, nhất là từ 3 ngày trước Giao thừa. Phần lớn các mặt hàng liên quan đều được tiêu thụ với số lượng lớn hơn, tốc độ nhanh hơn. Đây là quy luật mang tính truyền thống và tất nhiên của tất cả các năm. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, với sức mua không có cải thiện mạnh như mong muốn thì đa số người tiêu dùng vẫn còn tâm lý tiết kiệm và "nghe ngóng", vì đến nay vẫn còn khoảng 13% doanh nghiệp chưa công bố chính thức mức thưởng cho người lao động, thậm chí có nơi còn phải trả hiện vật thay tiền thưởng Tết cho công nhân. Như vậy, họ phải "liệu cơm gắp mắm" và mang nặng tâm lý tiết kiệm trong chi tiêu. Mặt khác, tình hình thời tiết năm nay vẫn là một dấu hỏi và rất khó đoán định trước để người tiêu dùng tiện bề mua sắm.

Dự báo, CPI tháng 2 sẽ tăng đáng kể so với tháng 1, vì là tháng diễn ra trọn vẹn cả dịp mua sắp tết Bính Thân. Mặt khác, đây lại là dịp nghỉ Tết khá dài và tiếp theo sẽ là chuỗi ngày lễ hội đầu xuân nên có sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là ăn uống và đi lại. Từ đó, nhu cầu về thực phẩm, rau xanh, thủy sản, đồ uống và dịch vụ vui chơi sẽ phát sinh trên diện rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lấy đà" vào Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.