Ngày 19/7, phát biểu tại Hội nghị về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở thủ đô Mexico, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Joseph Deiss đã kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy các cuộc thương lượng thực sự để cải tổ cả về quy mô và quy chế thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Joseph Deiss nhấn mạnh rằng để đạt được giải pháp về cải tổ Hội đồng Bảo an, các nước cần thể hiện trách nhiệm, theo đuổi lập trường xây dựng, thực tế, linh hoạt và mềm dẻo. Mọi giải pháp cho vấn đề nan giải đã được thảo luận trong gần hai thập kỷ này nằm trong quyền hạn của 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Một Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được cải tổ phải mang tính đại diện lớn hơn cho các nước thành viên ngày càng đa dạng của tổ chức này.
Toàn cảnh một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bất cứ thành công nào trong cải tổ cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc này, gồm 15 nước thành viên với 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 nước thành viên được bầu đại diện cho các khu vực của thế giới, đều góp phần quan trọng làm cho hệ thống quản trị toàn cầu này có tính đại diện hơn cho một trật tự thế giới mới, giúp tạo ra một thế giới an toàn, dân chủ và thịnh vượng hơn.
Trước đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi các nước “thỏa hiệp” để có thể đạt được giải pháp cải tổ Hội đồng Bảo an trong bối cảnh nhiều nhóm nước trong Đậi hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh lập trường khác biệt nhau về vấn đề này.
Ông Joseph Deiss nhấn mạnh nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không sớm được cải tổ để phản ánh thực tiễn chính trị hiện đại, Liên hợp quốc có nguy cơ mất đi sự tín nhiệm quốc tế và có thể bị gạt ra lề chính trường quốc tế, khi các vấn đề quốc tế quan trọng được thảo luận tại các diễn đàn khác ngoài Liên hợp quốc.
Cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là vấn đề đã được thảo luận suốt 17 năm qua, nhưng chưa đạt được một giải pháp nào.
Các vấn đề chủ chốt cải tổ Hội đồng Bảo an gồm các loại thành viên, quyền phủ quyết, đại diện khu vực, quy mô của Hội đồng Bảo an được mở rộng, phương thức làm việc và quan hệ của Hội đồng Bảo an với Đại hội đồng Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.