(HNM) - UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các công trình xây dựng hạ tầng trong quá trình thi công, nếu có liên quan đến hệ thống thoát nước của TP, bắt buộc phải có thỏa thuận với các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm dòng chảy, chống úng ngập.
Xả bùn xuống sông Tô Lịch. Ảnh: Tuấn khải
Sáng 30-3, phóng viên Báo Hànộimới cùng cán bộ Công ty Thoát nước Hà Nội và Xí nghiệp Thoát nước số 1 có mặt tại khu vực bờ phải sông Tô Lịch (đoạn giáp với Cầu Mới), chứng kiến thực trạng cả một khúc sông rộng ngập trong bùn thải. Ông Trần Văn Dũng, cán bộ quản lý hệ thống thoát nước của Xí nghiệp Thoát nước số 1 cho biết, nguyên nhân là do nhà thầu thi công công trình Royal City tại địa chỉ số 74 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) là Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp DELTA đóng cọc quây bờ vây dưới lòng sông không có giấy phép với diện tích khoảng 200m2 để xả nước thải và bùn. Tình trạng ngang nhiên lấp sông này diễn ra đã hơn 1 tháng, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng chảy của sông Tô Lịch mà còn làm tắc đường cống thoát nước của khu vực dân cư ngõ 72 đường Nguyễn Trãi, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1, xí nghiệp và UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) đã 3 lần tới lập biên bản yêu cầu Ban QLDA Royal City, Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp DELTA khẩn trương có biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm dòng chảy. Đại diện các đơn vị nói trên đã ký biên bản thừa nhận vi phạm nhưng đến nay, việc khắc phục rất chậm chạp.
Cũng trong ngày 30-3, phía hạ lưu sông Kim Ngưu (đoạn gần cầu Văn Điển thuộc địa phận huyện Thanh Trì), máy cẩu trên bờ liên tục chuyển những khối cọc larssen (cừ thép) xuống giữa sông. Ông Nguyễn Duy Anh, Phó phòng Kỹ thuật - Xí nghiệp Thoát nước số 4 (đơn vị quản lý hệ thống thoát nước tại đây) cho biết, đây là hạng mục kè hạ lưu sông Kim Ngưu thuộc dự án xây dựng tuyến đường vào khu đất mới của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Pháp Vân do Ban QLDA huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư. Trước khi triển khai hạng mục này, các đơn vị liên quan đã có cuộc họp nghe báo cáo biện pháp thi công để không làm ảnh hưởng tới dòng chảy. Ngày 23-3 vừa qua, Ban QLDA huyện Thanh Trì đã gửi hồ sơ biện pháp thi công tới Công ty Thoát nước Hà Nội. Tuy nhiên, hồ sơ này chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và công ty đã yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện. Thế nhưng, trong khi chưa hoàn thiện hồ sơ thì nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng đã tự ý ép cọc larssen xuống lòng sông thành một hàng dài cách mép bờ khoảng 13m, chặn 1/2 lòng sông. Việc làm cố ý này đã gây ảnh hưởng tới hệ thống tiêu thoát nước của thành phố.
Trước tình hình đó, ngày 26-3, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lập biên bản yêu cầu tạm dừng thi công để hoàn thiện phương án dẫn dòng. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn không chấp hành. Ngày 28-3 và 29-3, Công ty tiếp tục lập biên bản thêm 2 lần và yêu cầu lập tức tạm dừng thi công nhưng vẫn không có kết quả. Một cán bộ thuộc Xí nghiệp Thoát nước số 4 cho biết đã đề nghị chính quyền sở tại có biện pháp ngăn chặn vi phạm nhưng không ai can thiệp. Do đó, trong tất cả các biên bản xử lý vi phạm không hề có xác nhận của chính quyền sở tại. Trước sai phạm này, ông Nguyễn Văn Đức, đại diện Ban QLDA huyện Thanh Trì giải thích phải khẩn trương ép cọc larssen là do tiến độ và yêu cầu cấp thiết của việc giao thông đối với tuyến đường vào khu đất mới.
Mùa mưa bão năm 2011 đã cận kề. Trong khi thành phố đang nỗ lực cải tạo hệ thống thoát nước, tập trung khơi thông mương sông, cống rãnh nhằm tăng năng lực dòng chảy thì một số đơn vị, cá nhân vẫn bất chấp các quy định. Trong 2 vụ việc này, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả một Ban QLDA của Nhà nước cũng vi phạm. Ngoài ý thức coi thường kỷ cương phép nước, còn có một lý do khác nữa là chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Ví dụ như vi phạm tại dự án Royal City nói trên, mức phạt chỉ vào khoảng 4 triệu đồng. Với mức phạt như vậy, có lẽ sẽ còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng làm bừa, làm ẩu. Đề nghị các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh những hành vi ngang nhiên coi thường kỷ cương như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.