(HNM) - Theo nhận định của Bộ Y tế, đã đến lúc nước ta phải xác định chung sống an toàn với dịch Covid-19 cho tới khi có vắc xin phòng bệnh. Thông điệp được Bộ Y tế khuyến cáo với mỗi người dân là hãy thực hiện tốt “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế). Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện khuyến cáo trên, có thể tạo ra "lỗ hổng" cho dịch bệnh lây lan... Thế nên, các lực lượng chức năng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để lấp “lỗ hổng” về phòng, chống dịch.
Lỗ hổng thiếu “K” trong phòng dịch
Bộ Y tế khẳng định, để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân cần dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp. Người dân nên thực hiện tốt khuyến cáo “5K”: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tụ tập đông người; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; khai báo y tế đầy đủ. Đây là “lá chắn thép” để bảo vệ mỗi người và cả cộng đồng trước dịch Covid-19.
Khuyến cáo của Bộ Y tế là vậy, nhưng tại nhiều khu vực, dễ dàng nhận thấy việc thực hiện “5K” còn chưa đầy đủ. Ở các địa điểm công cộng như sân chơi trước tòa 34T, NO5 Trung Hòa - Nhân Chính, Công viên Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Công viên Indira Gandhi (quận Ba Đình)..., nhiều người dân tập thể dục, thể thao vào buổi sáng, chiều nhưng không đeo khẩu trang phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó, tại các tòa nhà chung cư trên tuyến phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), Tố Hữu, chung cư VOV Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm)... đều dán thông báo khách ra vào tòa nhà phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định đeo khẩu trang bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài nhưng khách không thực hiện, cũng không bị bảo vệ hoặc nhân viên lễ tân nhắc nhở. Còn tại nhiều chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố Hà Nội, cả người mua và người bán hàng không thực hiện giữ khoảng cách theo quy định. Tại hàng ăn, quán cà phê trên các tuyến phố Tô Hiến Thành, Trần Đại Nghĩa, Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng)..., khách ngồi san sát nhau. Một phần do tâm lý chủ quan lơ là của khách, một phần do chủ quán không sắp xếp bàn ghế giãn cách như quy định.
Anh Nguyễn Trà Ly (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) cho biết, anh cảm thấy lo lắng khi chứng kiến nhiều hàng quán thu hút đông khách, nhất là giới trẻ tụ tập ăn uống hàng tiếng đồng hồ nhưng không ngồi giãn cách theo quy định.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng cho biết: Cấp ủy và các đơn vị trên địa bàn quận đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn có người dân chủ quan, lơ là, chưa nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chưa chấp hành đúng khuyến cáo của ngành Y tế; một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Kết hợp nhiều giải pháp để củng cố “lá chắn” phòng dịch
Tính đến nay, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân đã xử phạt 146 trường hợp không đeo khẩu trang, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 12 cơ sở kinh doanh liên quan đến vật tư, trang thiết bị y tế, nhà thuốc, chăm sóc sắc đẹp do vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Trong khi đó, cơ quan chức năng của quận Hai Bà Trưng xử phạt gần 400 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, kinh doanh karaoke, không thực hiện biện pháp hạn chế tập trung đông người...
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết, thời gian tới quận vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, quận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt thông điệp "5K" của Bộ Y tế.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời gian qua, nước ta đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhờ đó đã kiểm soát được tình hình tại các ổ dịch. Song nguy cơ dịch Covid-19 vẫn thường trực, Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch Covid-19 trong thời gian dài và cần xây dựng hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chúng ta luôn đặt ra câu hỏi “dịch bao giờ kết thúc?”. Từ nhận định của các chuyên gia thì ít nhất phải gần 2 năm nữa. “Cho nên, theo tôi, trước khi chưa có vắc xin thì chúng ta phải nâng cao ý thức cộng đồng. “5K” hoàn toàn là hành vi của con người, chính chúng ta có thể thực hiện để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Từ thực hiện “5K” để phòng dịch Covid-19 sẽ dần dần tạo thành thói quen phòng nhiều dịch bệnh khác liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa… mang lại lợi ích cho sức khỏe”, ông Trần Đắc Phu lưu ý.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.