Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lặp lại vết xe đổ?

Tư Văn| 20/04/2010 06:12

(HNM) - Thời gian gần đây, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Nông, Bình Phước, Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình... đua nhau phá rừng để trồng cao su.

Đơn cử như tỉnh Đắc Lắc lập dự án "khai tử" hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên để trồng mới cao su; chỉ trong 3 năm 2007-2009, tỉnh Đắc Nông có hơn 1.000ha rừng tự nhiên bị triệt hạ và Bình Phước cũng đã phá hủy 3.403ha rừng để trồng mới cao su... Liệu sự phát triển "quá nóng" loại cây này có lặp lại vết xe đổ của vòng luẩn quẩn "trồng, chặt" như đối với cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường?

Mấy năm vừa qua, thị trường xuất khẩu cao su nước ta phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nhập khẩu Trung Quốc. Thực tế, năng suất và chất lượng cao su của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, công nghiệp chế biến ngành này chưa theo kịp với tốc độ phát triển nguồn nguyên liệu nên cao su Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, nếu rủi ro rớt giá thì nông dân sẽ gánh chịu thiệt hại lớn.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ bài học phát triển "nóng" cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên. Năm 2007, khi giá cà phê xuất khẩu được giá, các tỉnh Tây Nguyên đua nhau trồng cà phê. Thời kỳ cuối năm 2008 đến nay, cà phê rớt giá thảm hại, người dân phải chặt hạ để trồng cây khác, tốn phí không ít tiền của, công sức. Tương tự, các loại cây điều, mía đường, hồ tiêu mấy năm qua liên tiếp lặp lại kịch bản cũ.

Ngày 19-4, giá mủ cao su tươi trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên giảm mạnh từ 13.000 đồng/kg xuống còn gần 6.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ nông dân lo lắng. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ có nhiều hộ sẽ lại chặt cao su trồng cây khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặp lại vết xe đổ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.