(HNM) - Dịch lợn tai xanh đang hoành hành tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, gây thiệt hại đối với người chăn nuôi. Không chỉ những trang trại có lợn nhiễm bệnh mà ngay cả những chuồng trại lợn khỏe, không mắc bệnh cũng rơi vào tình trạng "cửa đóng then cài" không bán được. Để giúp người chăn nuôi vượt qua cơn "bão" dịch tai xanh ở lợn, Cục Chăn nuôi đã họp bàn giải pháp giải cứu thị trường thịt lợn đang bị đóng băng và người chăn nuôi trước cảnh phá sản.
Các hộ chăn nuôi lợn cần được hỗ trợ kịp thời trước “bão” tai xanh. Ảnh: Trung kiên |
Người tiêu dùng sợ dịch, ít ăn thịt lợn
Thực tế trên thị trường, giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong thời gian qua có biến động nhiều. Từ tháng 4, dịch bệnh lợn tai xanh xuất hiện trên diện rộng tại các tỉnh phía bắc đã khiến mức tiêu thụ thịt lợn giảm và giá bán các sản phẩm lợn thịt cũng giảm đáng kể. Tại miền Bắc, với lợn 100% máu ngoại nuôi tại trang trại, giá bình quân 29 ngàn đồng/kg tháng 12-2009, tăng lên 30 ngàn đồng vào tháng 1-2010 và tháng 3-2010.
Từ đầu tháng 4-2010 đến nay, do dịch tai xanh, giá lợn thịt giảm còn 25-26 ngàn đồng/kg lợn hơi (giảm khoảng 15%). Đối với lợn lai nuôi trong hộ gia đình, giá thấp hơn lợn ngoại từ 6-8 ngàn đồng/kg. Bình quân trước khi dịch là 24-25 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 17-18 ngàn đồng/kg (giảm khoảng 22-24%). Điều quan ngại là do ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh, tình hình tiêu thụ và vận chuyển lưu thông gặp khó khăn. Ước tính, sản lượng thịt tiêu thụ tại các chợ ở các thành phố lớn trong thời gian có dịch giảm từ 30-40% so với trước khi xảy ra dịch bệnh tai xanh.
Không riêng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mà giá lợn giống cũng bị giảm do ảnh hưởng dịch tai xanh, nhiều hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi ngừng tái đàn; nhiều trang trại đã phải chuyển lợn giống bán thành lợn thịt. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1429/BNN-TY ngày 17-5-2010 về kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, song trên thực tế các trại giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Tình hình dịch bệnh cũng cuốn theo giá thịt lợn tiêu dùng trên thị trường giảm. Tại các chợ trong nội thành Hà Nội, giá thịt mông sấn từ 59.500 - 60.000 đồng/kg; do ảnh hưởng dịch lợn tai xanh, mức tiêu thụ trong tháng 4 và tháng 5-2010 giảm từ 35-40% so với các tháng trước đó. Tại các chợ ở thành phố Hồ Chí Minh, giá thịt mông sấn từ 67.000 - 67.900 đồng/kg; mức tiêu thụ trong tháng 5-2010 giảm từ 10-15% so với các tháng trước đó. Ông Nguyễn Đức Đán, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Tổng công ty có 6 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi lợn với tổng đàn 46.000 con, trong đó đàn nái sinh sản là 5.700 con, mỗi tháng đơn vị xuất bán khoảng 3.500 con lợn nái. Mặc dù đến thời điểm này, 6 doanh nghiệp của Tổng công ty hoàn toàn chưa xảy ra dịch song việc tiêu thụ đã gặp rất nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh kiểm dịch và tuyên truyền
Lý giải cho tình trạng giá lợn giảm, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do thông tin thiếu chính xác, một bộ phận người tiêu dùng đã quay lưng lại với thịt lợn, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Cùng với nhu cầu tiêu thụ giảm, một bộ phận thương lái lợi dụng tình hình dịch bệnh tai xanh đã ghìm giá mua lợn hơi để kiếm lời. Đặc biệt, việc vận chuyển lưu thông lợn thịt từ các trang trại không nhiễm bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. Tình hình dịch tai xanh ở lợn đã khiến giá thịt lợn lên xuống thất thường, đặc biệt giá lợn hơi hiện rất rẻ, tổn thất lên đến 30-40%, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn có nguy cơ phá sản.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho rằng, người tiêu dùng cần hiểu đúng hơn bệnh tai xanh ở lợn, không quá hoang mang và vẫn có thể tiêu thụ thịt lợn không nhiễm bệnh ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh như hiện nay. Đặc biệt, người tiêu dùng cần nhận biết và phòng tránh sự lây nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn do dùng các sản phẩm tiết canh, nem sống từ thịt lợn, thịt lợn chưa nấu chín.
Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn về y tế và thú y tại các địa phương tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân có thể tự nhận biết và phòng tránh sự lây nhiễm vi khuẩn, liên cầu khuẩn do dùng các sản phẩm như tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín. Ngoài ra, Cục cũng đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan thú y tại các địa phương tổ chức chỉ đạo hướng dẫn thực hiện đúng tinh thần Công văn số 1429/BNN-TY của Bộ NN&PTNT về kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.