(HNMO) - Chiều 29-10, tiếp tục kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về các nội dung này.
Không để "khoảng trống" pháp luật trong xử lý đối với các hành vi chế tạo, sử dụng vũ khí
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bộ trưởng cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ ba, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Trong quá trình thực hiện luật này và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đã xuất hiện vướng mắc trong xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Theo báo cáo của công an các đơn vị, địa phương, từ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực đến nay, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ 230 vụ với 321 người liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, 11 vụ với 13 người phải đình chỉ khởi tố vụ án; 19 vụ với 32 người đã bị kết án, đang hoặc chưa chấp hành hình phạt đã được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt; 104 vụ với 157 người bị khởi tố điều tra với tội danh khác…
Để kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật, không để "khoảng trống" trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phù hợp, thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015 là cần thiết.
Đồng tình với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phát biểu trong thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) nêu thực tiễn tội phạm hoạt động tinh vi, luôn nghiên cứu kẽ hở của luật để phạm tội.
“Nếu chúng ta quy định đặt tên cho các loại vũ khí có tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng thì cũng giống như các loại ma túy, sẽ có phát sinh. Vì vậy, việc sửa đổi luật phải điều tiết được những khoảng trống này, xử lý phù hợp với quy định của pháp luật hình sự, từ đó phòng ngừa được tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí tương tự vũ khí quân dụng”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến phân tích.
Đại biểu Sùng A Hồng (Đoàn Điện Biên) cho rằng, sau khi sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các cơ quan tố tụng cần có các văn bản dưới luật, hướng dẫn triển khai thực hiện để giúp làm rõ thế nào là vũ khí quân dụng và vũ khí tương tự vũ khí quân dụng. Ngoài ra, cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự để bảo đảm có tác dụng răn đe, phòng ngừa những đối tượng sử dụng các loại vũ khí này.
“Thực tế đấu tranh với tội phạm cho thấy, loại vũ khí mà phần nhiều đối tượng thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển... đều là loại vũ khí với khái niệm “tương tự vũ khí quân dụng”, chứ rất ít phát hiện tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng”, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết.
Thu hút đầu tư từ việc đổi mới quy định nhập cảnh
Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã tham gia góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo luật sửa đổi 18 điều, bổ sung 3 điều với một số nội dung đáng chú ý như luật hóa việc cấp thị thực điện tử và việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày; nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên...
Thảo luận ở tổ, các đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định) có chung quan điểm, việc miễn thị thực, đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh Việt Nam thể hiện rõ chủ trương đổi mới của Đảng đối với người nước ngoài, tạo điều kiện cho người nước ngoài tham gia sinh sống, quá cảnh ở Việt Nam thuận lợi hơn, qua đó tăng thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, việc dự thảo luật bổ sung trường hợp miễn thị thực khi “vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” cần được xem xét kỹ, kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể nhằm bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Một số đại biểu cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 6 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp, mà ngược lại, cần mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.
Đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) đánh giá, việc luật hóa cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Về việc sửa đổi ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời gian tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm, đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, việc này là để khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, cần thời gian dài. Do vậy, cần có sự phân loại các nhà đầu tư để xác định nhà đầu tư chiến lược, có tính chất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.