(HNM) - Nguyễn Xuân Lâm (nhà tại phố Tây Sơn, Hà Nội) dù trúng tuyển vào một trường đại học trong nước nhưng anh chọn đi học nghề đầu bếp tại Nhật Bản. Sau 3 năm học nghề, Lâm đã được các nhà hàng, khách sạn 5 sao mời về làm việc với mức lương hàng ngàn đô thì mọi người mới vỡ lẽ…
Năm đầu tiên học nghề, cả ngày Lâm chỉ ở trong bếp làm phụ bếp cho việc nấu nướng… Năm thứ hai, Lâm học các kỹ năng xử lý của một đầu bếp. Năm học thứ ba Lâm đang học các kỹ năng quản lý của một bếp trưởng. Chi phí học làm đầu bếp khá lớn nhưng ra nghề Lâm có cơ hội nhận lương hàng ngàn USD mỗi tháng.
Du học nghề như Lâm hiện đang là lựa chọn của nhiều gia đình khi định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Có việc làm, thu nhập tốt là mục tiêu rõ ràng thay vì có một cái bằng "đẹp" nhưng khó kiếm việc. Theo bà Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn du học Creativeland Japan - Vietnam thì thực tế cho thấy du học một số nghề, chi phí đắt hơn học đại học vì thời gian thực hành rất nhiều. Nhưng cái được là có được bằng cấp đạt chuẩn quốc tế, vốn ngoại ngữ tốt, có tác phong công nghiệp cũng như cơ hội kiếm việc làm xuyên quốc gia.
Ông Bùi Khắc Cư, Tổng thư ký Liên hiệp Tư vấn du học (VIECA) cho biết: "Hầu hết các trường nghề này đều đạt chuẩn quốc tế và bằng cấp được nhiều nước thừa nhận nên học sinh sau khi tốt nghiệp rất dễ xin việc".
Qua thực tế tư vấn cho thấy một số nghề hiện đang được nhiều người lựa chọn như quản lý dịch vụ, chăm sóc y tế, nấu ăn, làm bánh, dịch vụ tài chính, kế toán, khách sạn du lịch, quản trị du lịch, kinh tế du lịch, quản lý các trung tâm nghỉ dưỡng, công nghệ thực phẩm, tổ chức hội thảo và sự kiện, công nghệ điện tử điện lạnh và điều hòa không khí… Tùy từng ngành học và từng nước có chi phí khác nhau, tại Australia khoảng hơn 16.000 USD, tại New Zealand khoảng 30.000 USD New Zealand mỗi năm hay như Nhật Bản là khoảng 18.000 USD/năm…
Trong bối cảnh đào tạo nghề nước ta mới đang ở mức độ đại trà, hệ thống bằng cấp chưa có chuẩn quốc gia chung và chưa được các nước khác thừa nhận, thậm chí là các nước trong khu vực Đông Nam Á, du học nghề mở ra cơ hội việc làm tốt hơn đối với người có khả năng kinh tế.
Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thừa nhận, hiện xu hướng du học nghề đã góp phần hạn chế tình trạng thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề và ngoại ngữ tốt của thị trường lao động nước ta. "Hiện chúng tôi đang xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để đưa ra chuẩn chung và tiến tới việc được quốc tế thừa nhận bằng cấp đào tạo nghề của ta", ông Lân nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.