Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động xuất ngoại: Chuyện kể đầu Xuân

Kim Vũ| 26/01/2012 08:36

(HNM) - Tân Mão vừa qua là năm có nhiều sự kiện tiêu biểu đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động. Trong đó, niềm vui, nỗi buồn, sự đột phá, sự mất mát… đều hội đủ. Trong không khí đầm ấm của những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, chúng tôi đã ghi lại cảm nhận của nhiều người con xa xứ, chấp nhận một cái Tết không gia đình vì một ngày mai tươi sáng.

Đối với những người làm nghề xuất, nhập khẩu lao động thì việc tận mắt trông thấy hình ảnh những người công nhân được thưởng quà vì đã có sáng tạo trong sản xuất và những tu nghiệp sinh Việt Nam được chọn là phiên dịch viên kiêm trợ lý cho các chủ doanh nghiệp nước ngoài…  thực sự là một niềm hạnh phúc. Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ấn tượng đầu tiên khi sang thăm một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ của Hàn Quốc là việc ông chủ DN thưởng tiền cho một lao động Việt Nam. Việc thưởng tiền ở đây thực sự là rất hiếm hoi vì có rất ít lao động giỏi. Một công nhân Việt Nam làm nghề sản xuất phụ tùng ô tô có tác phong làm việc dường như đủng đỉnh hơn các công nhân khác nhưng lại được thưởng tiền. Nghe điều này có vẻ lạ. Nhưng qua thực tế quan sát về cách làm nhàn nhã của lao động này cùng chất lượng sản phẩm rất tốt, thậm chí còn vượt trội so với những người khác, chủ DN phát hiện ra NLĐ này đã có sáng tạo một chút về kỹ thuật nên công đoạn làm việc của anh ta có vẻ thong dong hơn. Rất khâm phục sự sáng tạo này, ông chủ đã thưởng tiền và đưa anh vào vị trí quan trọng hơn. Hoặc tại Nhật Bản, nhìn chung tu nghiệp sinh Việt Nam đều được ông chủ hài lòng. Có những vị trí làm việc rất khó, cần tay nghề cao mà lao động ta được sắp xếp ở đó là điều đáng mừng. Đáng mừng hơn cả là đa số tu nghiệp sinh của Việt Nam trước khi sang Nhật Bản hay Hàn Quốc làm việc đều chưa được đào tạo nghề nhưng sau một thời gian sang nước bạn thì tay nghề của họ vững vàng và họ được bố trí làm ở những công đoạn khó. Điều này được chứng minh tại buổi lễ khai giảng Trường Cao đẳng Nghề Việt - Nhật tại Long An mới đây, một thanh niên làm phiên dịch và là trợ lý cho một công ty của Nhật Bản nói tiếng Nhật rất tự tin trước cử tọa, trong đó có Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và nhiều khách mời từ Nhật Bản. Qua tìm hiểu mới biết người trợ lý nọ vốn là học sinh nghèo ở Bến Tre, đi XKLĐ. Ngoài thời gian làm việc, anh cặm cụi học tiếng Nhật, làm quen với nhiều gia đình người Nhật Bản và lúc rảnh rỗi đến chơi với họ, mục đích là để thực tập và học thêm tiếng Nhật từ thực tế. Hết hạn hợp đồng về nước, nhiều bạn bè cùng đi XKLĐ với anh thất nghiệp, còn anh được một Công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh nhận làm hướng dẫn viên. Trong một chuyến đi du lịch và tìm hiểu thị trường Việt Nam của một công ty Nhật Bản, anh được đánh giá cao và được mời về làm phiên dịch, sau đó là trợ lý.

Lao động Việt Nam chăm chỉ, học việc nhanh, bảo đảm kỹ thuật tốt nên có thể khẳng định tay nghề ở các nước bạn.


Trong những chuyến đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nước bạn, nhiều chuyên gia về XKLĐ của Việt Nam đã cảm nhận sâu sắc những hình ảnh đẹp của lao động Việt Nam cũng như lao động nước ngoài. Đó là hình ảnh rất đẹp mắt tại Hoa Kỳ mà TS.Nguyễn Lê Minh, Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh ghi nhận được. Trong một bữa ăn trưa tại một hàng ăn nhỏ, có một công nhân người Châu Á làm nghề lau chùi cửa kính phía ngoài cửa hàng. Chính sự gọn gàng và có ý thức trách nhiệm của chị công nhân đó khiến ông cảm phục. Một tay xách xô nước, một tay cầm giẻ lau, chị cần mẫn lau từng hạt bụi. Sau đó, chị ngó nghiêng bên này, bên kia, rồi lại kỳ cọ, trong khi đó cửa kính đã trong veo, không còn hạt bụi nào. Chị công nhân này người Philippines, một cường quốc hàng đầu thế giới về XKLĐ. Hiện nay, lao động Philippines làm việc ở trên dưới 130 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ với mục tiêu "Việc làm và ngoại tệ, cứ đâu có yêu cầu thì dù chỉ cần một người, Philippines cũng đáp ứng". Và mọi việc làm NLĐ Philipines có mặt ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu lao động, đặc biệt là ở Trung Đông, đem về cho đất nước mỗi năm hàng tỷ đô la Mỹ. 

Hình ảnh đẹp của cô công nhân Philippines trên rất đáng để lao động chúng ta học tập. Thực tế, trước khi đưa người đi XKLĐ, chúng ta chỉ mới đào tạo nghề cho dưới 50%. Sau đó, sang nước bạn được tiếp tục đào tạo, rèn nghề thì có khoảng 80-90% có tay nghề vững. Không ít phụ nữ chân yếu tay mềm, hiền lành, cần cù, xuất thân ở các vùng quê cục mịch đi làm nghề giúp việc ở các nước bạn đã được chủ nhà tin tưởng coi như con em trong nhà. Nhiều lao động Việt Nam được ông chủ thưởng tiền hoặc sắp xếp ở những vị trí xứng đáng. Thế nhưng cũng có không ít lao động trình độ học vấn và văn hóa hạn chế đã gây nên hình ảnh không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Cũng không thể không nhắc đến những lao động trốn ra ngoài bất hợp pháp gây cản trở trong tiến trình phát triển nền công nghiệp xuất khẩu lao động của chúng ta.

Theo ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, người từng 4 năm giữ vai trò là Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hạn chế của lao động Việt Nam là trình độ ngoại ngữ kém (ngoại trừ thị trường Nhật Bản ngoại ngữ khá hơn). Bản thân lao động yếu ngoại ngữ thì thiệt cho chính họ. Trước tiên, khả năng hòa nhập với đồng nghiệp khó khăn hơn, việc học hỏi, sáng tạo cũng hạn chế. Chính vì sự hạn chế này khiến chúng ta đã "trượt" tại một số thị trường XKLĐ. Cụ thể là thị trường Trung Đông đang rất cần lao động xây dựng. Và kèm theo đội quân xây dựng đó phải là những kỹ sư giỏi ngoại ngữ. Mà thực tế, để tìm được một kỹ sư vừa giỏi nghề, vừa giỏi ngoại ngữ để XKLĐ hiện nay là rất hiếm. Bởi, những mẫu người lý tưởng nêu trên thì chính Việt Nam chúng ta đang phải tìm kiếm và họ được trả với mức lương tương xứng thì chẳng dại gì phải sang nước ngoài làm thuê. Vì sự hạn chế về ngoại ngữ, cùng với tác phong, lối sống cũ nên câu chuyện về XKLĐ nhiều khi cũng rất đáng buồn. Đó là chuyện một lao động giúp việc đã mang thói quen nhai cơm rồi mớm cho trẻ ăn ở quê để áp dụng ở nước bạn. Nhưng chị này không ngờ chủ nhà đặt camera theo dõi và đã sa thải ngay lập tức vì làm như vậy là mất vệ sinh. Đó là việc người giúp việc cãi nhau với chủ nhà hoặc có những giúp việc lười biếng, làm ẩu, khi bị chủ nhà nhắc nhở thì cãi lại... Báo chí cũng nhiều lần lên tiếng vì sự trù dập, đối xử thô bạo của chủ nhà đối với lao động Việt Nam nói riêng và lao động các nước nói chung. Ông Hải cho biết, điều khiến cơ quan quản lý đau đầu nhất là việc lao động Việt Nam cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp, tiếp đó là việc chuyển chỗ làm và hành vi uống rượu, văng bậy và đánh nhau. Hình ảnh nước bạn mở những đợt truy quét và có những thị trường có tới 50% lao động Việt Nam phải ngơ ngác, buồn rầu ngồi sau song sắt… cũng gây ấn tượng khá sâu sắc trong lòng chúng ta. Có nhiều lý do để họ có những hành động không đẹp nêu trên. Nhưng điều dễ nhận thấy nhất là lối a dua theo phong trào bỏ trốn chủ lao động này để sang làm cho chủ lao động khác lương cao hơn, việc làm nhàn hơn. Hoặc có những lý do hết sức đơn giản mà lao động đưa ra là vì họ muốn chuyển đến làm việc nơi có bạn bè, người thân hoặc bạn trai, bạn gái của họ cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê hương, để đỡ đần nhau những lúc ốm đau, bệnh tật. 

Nhớ lại những ngày sống và làm việc tại Hàn Quốc, ông Đào Công Hải cho biết đặc biệt vào những dịp Tết Nguyên đán, BQLLĐ đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những lao động xa nhà đỡ buồn chán, cô đơn. Chẳng hạn mời các đoàn ca múa nhạc từ Việt Nam sang biểu diễn để tạo không khí ấm cúng và sự sẻ chia chân thành. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa văn nghệ của Tết Việt Nam cũng được truyền trực tiếp qua kênh VTV4, qua internet, VOV… Người thân trong gia đình có thể điện thoại, chát voice, chát thấy hình, gửi email… giúp xóa dần khoảng cách. Trong không khí của ngày Tết cổ truyền, lao động Việt Nam cũng được ngắm hoa đào, xem lịch Việt Nam, được gói bánh chưng, nấu các món ăn Việt Nam như miến, măng, giò chả, yến sào... và những buổi liên hoan ấm áp tình người tại các nhà máy, công trường, ký túc xá cho người lao động.. BQLLĐ cũng gửi báo Tết, gửi thiệp chúc mừng đến người lao động và kêu gọi các DN Việt Nam và các chủ sử dụng lao động nước bạn cùng tổ chức Tết cho người lao động xa xứ với những món quà nhỏ nhưng đầm ấm và chân thành.

Những chàng trai, cô gái từ khắp thôn quê đã nuôi giấc mộng tìm cho mình một công việc nơi xứ người với hy vọng đưa gia đình ra khỏi cảnh nghèo đói tại Việt Nam. Vì vậy, đời công nhân nơi đất khách sẽ không được nhàn tản như lúc ở quê nhà. Và họ càng phải chăm chỉ, cần mẫn lao động và cần phải học hỏi thêm tác phong công nghiệp, nguyên tắc làm việc và càng phải trau dồi chính mình để có thể tự hào là những công nhân Việt Nam gương mẫu, nếu có thể không chỉ là nước có số lượng lao động đi xuất khẩu nhiều nhất mà phải là nước có nhiều lao động giỏi nghề nhất.

Qua những câu chuyện buồn, vui, những hình ảnh dễ thương và đáng học tập kể trên, chúng ta hy vọng rằng lao động Việt Nam tiếp tục phát huy ưu thế của mình và có thể loại bỏ những thói xấu cố hữu bấy lâu để khẳng định vị thế của mình với các nước bạn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lao động xuất ngoại: Chuyện kể đầu Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.