Ngày 9/8, kế hoạch sơ tán 682 lao động Việt Nam khỏi Libya bằng đường không qua ngả Ai Cập đã bắt đầu được thực hiện...
Lao động Việt Nam ở Libya. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN). |
Số lao động nói trên đang làm việc tại dự án "2000 Housing Projet" ở thị trấn Al-Qubbah thuộc thành phố Al-Beida (miền Đông Libya), cách khu vực chiến sự Benghazi khoảng 200 km.
Dự kiến, trong ngày đầu tiên, hai chuyến bay thuê riêng của Hãng hàng không quốc gia Libya (Libyan Airlines) sẽ cất cánh từ sân bay Misrata (Mi-xra-ta) đến sân bay quốc tế Cairo vào lúc 11h45 và 17h45 đem theo 184 lao động. Theo kế hoạch, chuyên cơ của Vietnam Airlines sẽ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo vào 21h để đón số lao động này và cất cánh về nước vào lúc 23h cùng ngày.
Libyan Airlines sẽ huy động 4 chuyến bay để chở khoảng 360 lao động Việt Nam vào ngày 10/8 và 2 chuyến cuối cùng vào ngày 11/8 để đưa số lao động còn lại từ Libya sang Cairo. Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện 2 chuyến bay thẳng Cairo - Hà Nội vào các ngày 10 - 11/8. Các máy bay được Vietnam Airlines huy động gồm Airbus 330 - 200 và Boeing 777 - 200 với 250 - 270 ghế.
Để chuẩn bị cho kế hoạch sơ tán lao động Việt Nam tại Libya bằng đường không, công ty Huyndai Amco đã cử 3 cán bộ sang Ai Cập làm công tác tiền trạm từ cách đây một tuần. Vietnam Airlines đã điều tổng cộng 10 cán bộ, trong đó có lãnh đạo Văn phòng đại diện tại châu Âu, sang Ai Cập để giải quyết các vấn đề kỹ thuật và xin phép bay qua không phận của 10 quốc gia. Công ty Vinaconex cũng cử 2 cán bộ sang để phối hợp sơ tán lao động. Về phần mình, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và các cơ quan ngoại giao khác tại Cairo sẽ huy động toàn bộ nhân lực để hỗ trợ nhà thầu Hàn Quốc và công ty phái cử lao động giải quyết các thủ tục pháp lý và hành chính nhằm nhanh chóng đưa công dân Việt Nam về nước.
Trước đó, ngày 7/8, nhóm 25 lao động Việt Nam đầu tiên sơ tán khỏi Libya bằng đường bộ qua Ai Cập đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo hỗ trợ nhập cảnh và lên đường về nước trên chuyến bay QR 964 của hãng hàng không Qatar Airlines tối 8/8, sau 4 ngày bị mắc kẹt lại tại vùng đệm của cửa khẩu Salloum (Xa-lum) trên biên giới giữa Libya và Ai Cập. Chuyến bay này dự kiến sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 12h50 ngày 9/8. Xuất phát từ khó khăn nảy sinh của nhóm 25 lao động nói trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã khuyến cáo các công dân tránh sơ tán bằng đường bộ qua của khẩu Salloum của Ai Cập.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Cairo qua điện thoại, anh Bùi Sỹ Phong, quản lý lao động tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Al-Khalij ở tỉnh duyên hải Sirte (Xơ-tê) ở miền Bắc Libya, cho biết dự kiến trong hai ngày 9-10/8, nhà thầu Hàn Quốc Huyndai E&C sẽ thuê 2 chuyên cơ để chở toàn bộ số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây sang Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trước khi lên máy bay về nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cho biết hiện các công ty đã có kế hoạch sơ tán khoảng 1.050 người trong tổng số 1.550 lao động Việt Nam tại quốc gia Bắc Phi này./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.