(HNM) - Từ những ngày làm việc đầu xuân mới Quý Tỵ, lượng lao động khá dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu cần tuyển dụng của các doanh nghiệp tại các KCN & CX Hà Nội - Đó là khẳng định của ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ các KCN & CX Hà Nội.
Mùng 9 Tết - ngày làm việc đầu tiên sau đợt nghỉ dài, 90% công nhân lao động (CNLĐ) đã quay trở lại KCN Bắc Thăng Long. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng khoảng 10%, tình trạng "nhảy việc" cũng giảm nhiều.
Không khí lao động sau Tết đã nhộn nhịp trở lại tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Bá Hoạt |
Trái ngược với cảnh đông đúc, tấp nập ở KCN Bắc Thăng Long, tại nhiều cụm công nghiệp nhỏ, khu sản xuất tập trung, nơi có nhiều DN vừa và nhỏ, tình hình lao động, sản xuất sau Tết khá nguội lạnh. Điển hình như cụm công nghiệp huyện Từ Liêm, một số doanh nghiệp (DN) "dài cổ" chờ công nhân, một số DN phải cắt, giảm giờ làm do đơn đặt hàng ít. Ông Chung Văn Bình, Chủ tịch LĐLĐ huyện Từ Liêm nhận định, tình hình lao động, việc làm thời điểm này còn yên ắng hơn năm ngoái; nguy cơ người lao động (NLĐ) bị mất việc và tình trạng "nhảy việc" khó tránh khỏi. Tại huyện Sóc Sơn cũng không khá hơn, hoạt động sản xuất trong KCN đìu hiu, DN chờ đơn hàng, công nhân chờ việc...
Khảo sát tại nhiều cụm, KCN tại các quận, huyện, điều dễ nhận thấy là sự im ắng trong các khu sản xuất, vắng lặng nơi xóm trọ và các biển hiệu tuyển dụng lao động vẫn được trưng lên, nhưng mức lương kém hấp dẫn, chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, nên DN vẫn khó "hút" lao động, trong khi đó NLĐ vẫn tìm kiếm việc làm.
Thực tế cho thấy, nơi nào quan tâm được đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, dù việc ít, lương thấp, CNLĐ vẫn bám trụ đồng hành, chia sẻ, vượt khó cùng DN và ngược lại, NLĐ kém "mặn mà" vì chế độ lương thưởng bấp bênh, nợ lương, nợ bảo hiểm… dai (!)
Nhiều cụm công nghiệp, khu sản xuất vẫn còn vắng vẻ. Ảnh: Bá Hoạt |
Nguyễn Thị Thủy, quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh), công nhân Công ty Sản xuất thiết bị đồ nhựa Santomas ở KCN Bắc Thăng Long cho biết, tuy lương thấp, nhưng sự quan tâm của DN (trước và sau Tết đều có xe đưa đón) cùng những món quà nhỏ, những lời động viên của CĐ đã "níu chân" chị ở lại làm việc tiếp tại DN. Lê Sĩ Linh, quê ở Thanh Hóa chia sẻ, mới vào thử việc tại Công ty Panasonic hai tháng, nhưng Tết vừa rồi cũng được công ty bố trí cho đi xe miễn phí về quê kèm theo túi quà nhỏ, chừng đó cũng đủ để Linh quyết tâm quay trở lại công ty đúng hẹn.
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết, CĐ các KCN&CX đã nhanh chóng khảo sát, nắm bắt tình hình lao động tại các DN trong 8 KCN. Kết quả là, hầu hết các công ty lớn, quan tâm thỏa đáng tới NLĐ, đều không bị thiếu hụt lao động. Điển hình như Công ty TNHH Canon Việt Nam, thưởng Tết 1-2 tháng lương thực lĩnh; tặng quà Tết cho 23.500 CNLĐ (trong đó công ty tặng 100.000 NLĐ, CĐ tặng 120.000 NLĐ); lì xì đầu năm cho 200.000 CNLĐ; tổ chức 150 chuyến xe đưa và đón CNLĐ, nên sau Tết đã có 98% CNLĐ trở lại làm việc. Công ty TNHH Nissei Việt Nam, thưởng Tết bằng 1,8 tháng lương cơ bản; CĐ tặng quà Tết trị giá 115.000 đồng/suất cho 6.600 CNLĐ; tổ chức 52 chuyến xe đưa và đón CNLĐ, sau Tết 97% CNLĐ đã trở lại làm việc. Các Công ty Young Fats, Thời trang Star, Sumi Hanel, Phụ tùng Yamaha Motor, Meiko... đều có mức quà, thưởng Tết tương đương đều "kéo" được trên 90% lao động trở lại làm việc. Tiêu biểu nhất là Công ty TNHH Denso Việt Nam, thưởng Tết 2 - 4,5 tháng lương thực lĩnh, tặng túi quà (trị giá 450.000 đồng) cho 2.300 CNLĐ và hỗ trợ mỗi công nhân 200.000 đồng tiền tàu xe, nên sau Tết 100% CNLĐ đã trở lại làm việc.
Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý các KCN & CX Hà Nội nhận định, tuy kinh tế khó khăn, nhưng hầu hết DN tăng lương tối thiểu theo quy định từ tháng 11 của năm 2012. 100% DN ngoài Nhà nước có thưởng Tết. Các DN lo được mức thưởng từ 500.000 đồng đến gần chục triệu đồng thì chi trả bằng tiền, DN khó khăn hơn, linh hoạt mua quà, bánh mứt kẹo, nhu yếu phẩm, hoặc tặng vé xe, không ít DN quan tâm NLĐ bằng những buổi liên hoan văn nghệ, hoạt động trợ cấp... để mọi người đều có Tết. Do đó, đã tạo dựng quan hệ lao động hài hòa, gắn bó hơn. Đặc biệt, việc thành lập Đảng bộ trong các KCN & CX mới được thực hiện, cùng với các kế hoạch thành lập các đoàn thể chính trị, xã hội trong DN, càng củng cố niềm tin của NLĐ, giúp họ yên tâm đồng hành với DN. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho công nhân cũng đã được tăng cường vào dịp cận Tết, giúp NLĐ nắm bắt hiểu rõ kỷ luật lao động, không tự ý bỏ việc, "nhảy việc". Và, cũng vì thế, trước, trong và sau Tết, tại tất cả các KCN & CX Hà Nội, không xảy ra đình công, tranh chấp lao động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.