Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động nữ vẫn thiệt thòi

Linh Nhi| 19/04/2010 06:34

(HNM) - Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chiến lược và chế độ, chính sách ưu đãi đối với lao động nữ (LĐN) làm việc trong các doanh nghiệp (DN); tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan, việc thực hiện các chế độ, chính sách này còn nhiều hạn chế. Nhất là ở một số ngành nghề đặc thù chiếm tỷ lệ LĐN rất đông như dệt may, da giày... thì nữ công nhân gặp rất nhiều khó khăn do thu nhập thấp, đời sống tinh thần quá nghèo nàn.

Cái khó, bó cái... khổ!

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 34 DN sử dụng trên 70% LĐN tại 10 tỉnh, thành cho thấy, có tới 35,8% chị em phải tăng ca ít nhất 2 giờ/ngày. Trên 43% LĐN phải ở trong các khu nhà thuê trọ không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về điều kiện vệ sinh và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nói về việc phải làm tăng ca, chị Vũ Hồng Ngọc, công nhân Công ty TNHH Minh Trí (KCN Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Mặc dù công ty thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với NLĐ, nhưng do thu nhập còn thấp, chỉ 1,4 triệu đồng/tháng nên để có thêm thu nhập, chị và các công nhân khác luôn phải làm thêm trung bình 2 giờ/ngày. Do vậy, hết giờ làm việc, mọi người không còn hứng thú quan tâm đến việc nâng cao đời sống tinh thần như xem ti vi, đọc sách báo, hay giao lưu với bạn bè và luyện tập TDTT.

Công ty TNHH NNMTV Giày Thượng Đình, đơn vị có tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ lao động nữ. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại công ty. Ảnh: TTXVN

Theo điều tra của tổ chức CĐ tại 34 DN thuộc các thành phần kinh tế ở các nhóm ngành nghề chủ yếu là dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, đồ chơi, vật liệu xây dựng, thiết bị BHLĐ, thì chỉ có 10,2% số LĐN tham gia hoạt động thể thao; 7,8% chơi cầu lông; các môn thể thao khác chị em tham gia không đáng kể; số LĐN không có thời gian nghe đài, đọc báo, xem thời sự chính trị chiếm tới 67,1%.

Không những phải chịu nhiều thiệt thòi như vậy, do thường xuyên phải bận bịu với nỗi lo "cơm áo, gạo tiền", nên nhiều nữ công nhân dù rất muốn cũng không thể có được điều kiện tiếp cận với kiến thức pháp luật lao động nói riêng và kiến thức văn hóa nói chung. Bởi vậy, họ luôn có một mong muốn cháy bỏng là được nắm bắt các quy định của pháp luật về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của mình.

Công đoàn vào cuộc

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, làm thế nào để pháp luật thực sự "đến" được với công nhân mới là vấn đề quan trọng mà tổ chức CĐ luôn phải cố gắng. Tại cuộc đối thoại giữa nữ CNLĐ ngành dệt may Hà Nội và những người có trách nhiệm do CĐ dệt may và Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội tổ chức cách đây chưa lâu, chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Công ty CP May BTM (KCN Quang Minh - Mê Linh) chia sẻ: Chị và các nữ công nhân ở đây rất phấn khởi vì nhờ có cuộc đối thoại này mà họ được biết đến nhiều quy định về việc tính giờ làm thêm khi phải tăng ca thường xuyên, thời gian nghỉ phép hoặc thời gian, mức lương được hưởng khi nghỉ thai sản và các điều khoản của luật đối với BHXH, cách sử dụng BHYT trong trường hợp cấp cứu…

Bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch CĐ Dệt may Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội cho biết, do nhu cầu tìm hiểu pháp luật của CNLĐ nói chung LĐN ngành dệt nay nói riêng rất lớn nên CĐ đã tổ chức đối thoại này. Thời gian tới, sẽ tăng cường tổ chức đối thoại với NLĐ tại cơ sở, giúp LĐN có thể tự bảo vệ một số quyền lợi của mình.

Trên thực tế, dựa vào đặc thù của từng ngành nghề, tổ chức CĐ có biện pháp khác nhau để DN buộc phải thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với LĐN. Đơn cử, tại CĐ ngành GTVT Hà Nội, với 40 đầu mối CĐ cơ sở, gần 5 nghìn lao động, trong đó LĐN có tới 1 nghìn người, hầu hết là lao động trực tiếp trong nghề sửa chữa, duy tu, duy trì cầu và đường... công việc ngoài trời, mưa nắng, nóng bụi, tiếng ồn, ô nhiễm, độc hại, nguy cơ tiềm ẩn bệnh nghề nghiệp và tai nạn rất cao, khiến LĐN của ngành thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng về sức khỏe, tinh thần. Trước thực trạng đó, CĐ ngành chủ động phối hợp với chính quyền tham gia cùng DN cải thiện điều kiện làm việc cho LĐN. Bà Đào Lan Anh, Chủ tịch CĐ ngành cho biết, với cách làm này của CĐ, hiện nay ngày càng nhiều đơn vị duy tu cầu đường đã thay đổi công nghệ, không để công nhân phải trực tiếp nấu nhựa đường, giảm sự vất vả do nóng, bụi và loại bỏ nguy cơ ung thư, bệnh hô hấp. Kết quả là 2 năm gần đây số LĐN mắc bệnh nghề nghiệp không còn và tai nạn lao động giảm hẳn.

Để chính sách, pháp luật đối với LĐN đi vào cuộc sống thiết thực hơn, ngoài việc chỉnh sửa quy định về chính sách LĐN phù hợp hơn với thực tiễn, cần có những quy định khen thưởng, khuyến khích và chế tài xử lý cụ thể đối với người sử dụng lao động trong các ngành nghề khác nhau để bảo vệ quyền lợi cho LĐN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lao động nữ vẫn thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.